Thông qua cách biểu đạt của trẻ, cha mẹ có thể bước đầu chẩn đoán tình trạng rối loạn ngôn ngữ của con có thuộc một trong những trường hợp sau đây.
- 2 hậu quả của việc cha mẹ quát mắng con cái
- Bé trai gặp 'chiến tranh lạnh' ở lớp học, mẹ hối hận vô cùng vì hành động sai lầm với con trai suốt nhiều năm
Chào chuyên gia!
Con tôi năm nay 3 tuổi nhưng cháu nói rất ít, thường chỉ ra hiệu hoặc khi không vừa ý sẽ la hét phản đối. Theo tôi đánh giá thì thể chất cũng như nhận thức của cháu bình thường vì đôi khi cháu vẫn giao tiếp với các bạn trên lớp rất vui vẻ.
Theo chuyên gia con tôi ‘chậm nói’ như các cụ vẫn nói hay cháu có vấn đề về ngôn ngữ và cần phải đi khám. Tôi xin cảm ơn.
Minh Hà (Đồng Nai)
Chào bạn!
Khi trẻ có rối loạn về ngôn ngữ, vì không diễn đạt được theo ý mình nên trẻ hay biểu hiện giận dữ, la hét, phản đối.
Ở trẻ phát triển khả năng giao tiếp và ngôn ngữ bình thường, thì từ 2 - 3 tháng, trẻ bắt đầu phát âm họng líu lo; từ 7 - 9 tháng sẽ bập bẹ tập nói “ba ba”, “ma ma”... Từ 12 - 15 tháng, trẻ nói được vài từ đơn giản. Khi 2 tuổi, trẻ có thể nói câu ngắn ít từ đơn giản. Trên 3 tuổi, trẻ nói được câu dài.
Tuy nhiên ở những trẻ rối loạn ngôn ngữ, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc diễn tả suy nghĩ của mình bằng lời nói. Nhìn chung, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường không có biểu hiện rõ rệt nào. Chỉ khi bạn chú ý đến các dấu hiệu sau đây mới có thể phát hiện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ:
- Trẻ tỏ ra không lắng nghe khi bạn hay ai đó nói chuyện với trẻ, nói cách khác là không tập trung.
- Không quan tâm khi có người đọc sách cho mình nghe.
- Trẻ không hiểu những câu nói phức tạp.
Thông qua cách biểu đạt của trẻ, cha mẹ có thể bước đầu chẩn đoán tình trạng rối loạn ngôn ngữ của con có thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ với biểu hiện là chậm hiểu lời nói của người khác.
Rối loạn về phát âm là trẻ khó nói những từ, những câu thông thường: chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nói sai ngữ pháp, cách nói bất thường…
Các rối loạn ngôn ngữ khác như trẻ thường nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn... thường do khuyết tật về phát triển hoặc rối loạn tâm lý, cần được phát hiện sớm và cho trẻ đi khám chữa bệnh kịp thời.
Trường hợp con bạn, do chưa đủ thông tin ngoài dấu hiệu là trẻ ít nói, do đó cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để đánh giá khả năng nghe của con, đánh giá mức độ rối loạn ngôn ngữ, lời nói cũng như loại trừ bệnh lý rối loạn phổ tự kỷ. Bạn cũng đừng quá lo lắng vì có những trẻ ít nói tới tận 3 tuổi, nếu sau 3 tuổi trẻ không cải thiện thì đó là dấu hiệu báo động.
Tuy nhiên bạn cũng biết là chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ luôn là cần thiết giúp trẻ tái hòa nhập nhanh hơn.