Bé nhà tôi hiện học lớp hai. Bé viết rất chậm, làm gì cũng chậm và không hề tập trung khi làm việc gì đó.
- Ham làm đẹp cho con đến mấy cũng đừng đụng đến 4 mẹo dân gian phi khoa học này!
- Để con lớn lên không bị bẹp đầu, đây là những việc bố mẹ nên làm ngay sau khi con lọt lòng
Khi đang ăn, nếu nghe thấy tiếng tivi nói là bé ngừng ăn để nghe, dù không xem, hoặc ai đó nói chuyện, bé cũng dỏng tai lên nghe. Bé ngồi học lơ là, viết được vài chữ lại nghỉ tay, ngồi uốn éo, cắn móng tay nghịch móng chân, hay kiếm đồ gì đó cầm lên tay mà không tập trung học, kể cả khi có người lớn ngồi cạnh. Bé đọc một bài tiếng Việt được vài câu lại bỏ ra nhìn hình mà không đọc tiếp. Người lớn nhắc nhở, bé mới đọc tiếp nhưng vài phút lại chơi. Bé học rất chậm chạp và hay đi ngủ muộn. Gia đình cho bé đi ngủ sớm nhưng vào giường nằm mà bé không ngủ. Tuy học không tập trung nhưng nếu được xem ti vi thì bé ngồi cả ngày không chán.
Tôi nên làm gì để khắc phục tình trạng này của con? (Cường)
Trả lời:
Theo như chia sẻ của gia đình, bé nhà mình đã học lớp hai nhưng gặp khá nhiều khó khăn trong học tập, quản lý hành vi cá nhân và việc sinh hoạt cá nhân gặp nhiều cản trở.
Xin điểm lại một số vấn đề mà bé đang gặp phải:
- Khó hoàn thành các nhiệm vụ học tập,
- Giấc ngủ xáo trộn, khó ngủ, ngủ muộn,
- Khó tập trung,
- Dễ phân tán chú ý,
- Thay đổi hoạt động nhanh chóng,
- Dễ ấn tượng với các sự việc diễn ra xung quanh như tiếng tivi bật lên, tiếng ai đó nói chuyện…
- Thích xem tivi và xem lâu mà không chán, trái hẳn với các hoạt động khác…
Có thể gia đình đã kịp tìm hiểu một số sách vở, tài liệu từ internet nhưng vẫn chưa lý giải được khó khăn mà trẻ gặp phải là gì, và giải pháp khắc phục ra sao.
Các dấu hiệu đã chỉ ra khiến chúng tôi nghĩ rằng bé cho thể mắc chứng tăng động giảm chú ý vì bé có các biểu hiện tương ứng với một đứa trẻ mắc phải chứng này. Đây là một dạng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em có tên tiếng Anh: Attention-deficit hyperactivity disorder, viết tắt là ADHD. Các thống kê cho thấy có 3-5% trẻ em mắc phải rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7. Lứa tuổi hay mắc là từ 8 đến 11, khi trưởng thành rối loạn của trẻ có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, chúng ta chưa vội kết luận khi bé chưa được thăm khám và chẩn đoán bởi các nhà chuyên môn về tâm lý, giáo dục đặc biệt.
Trước mắt, chúng tôi mong gia đình thu xếp cho bé đến các cơ sở thăm khám tâm lý uy tín. Khi xác định rõ ràng vấn đề của trẻ, các nhà chuyên môn sẽ tư vấn cho gia đình các bước tiếp theo để bé được can thiệp phù hợp, cải thiện vấn đề.
Các địa chỉ thăm khám tâm lý có thể tham khảo như: Khoa tâm lý của các Bệnh viện Nhi Đồng, Trung tâm ứng dụng và bồi dưỡng Tâm lý - Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM, một số trung tâm và phòng khám tâm lý tư nhân có uy tín.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
Giảng viên Khoa Tâm lí học, Đại học Sư phạm TP. HCM