Có những sự thật trần trụi đến ngỡ ngàng mà chẳng sách vở hay thậm chí những người dạn dày kinh nghiệm nào sẽ kể cho bạn nghe về những ngày đầu làm mẹ ngoài việc tự mình trải nghiệm.
- Từ A-Z những quy tắc an toàn cho bé những ai lần đầu làm mẹ phải nắm rõ
- Hãy dạy con biết tự lập từ sớm bằng việc thường xuyên nói 3 câu này
Mang thai và sinh con là cả một hành trình dài, chắc chắn bất cứ người mẹ nào cũng sẽ chuẩn bị cho mình vốn kiến thức nhất định để có thể chăm sóc bé tốt nhất. Từ việc chuẩn bị tâm lý cho những đêm dài mất ngủ, những xáo trộn trong lịch sinh hoạt hàng ngày, rồi thậm chí vô vàn khó khăn khác sẽ phải trải qua, thế nhưng sau khi trải qua những ngày đầu làm mẹ và được trải nghiệm hàng loạt sự thật “trần trụi” về quãng thời gian đầu nuôi con, đảm bảo nhiều mẹ sẽ khó tìm thấy những kinh nghiệm ấy ở bất cứ loại sách vở nào.
Sự thật số 1: Phần lớn các bà mẹ đang tâng bốc thái quá về thời gian ngủ và nơi ngủ của bé mà thôi!
Một bà mẹ trẻ khi được hỏi con của cô ấy ngủ mấy tiếng mỗi giấc thì trả lời đầy tự hào rằng: "Bé nhà tôi ngủ liền mạch 8 tiếng". Nhưng sự thực thì khác, chính bà mẹ này cũng tiết lộ thật ra chỉ có 1 đêm duy nhất là em bé ngủ 7,5 tiếng một mạch, còn lại tất cả các đêm khác là chuỗi ngày mệt mỏi vì phải thức dậy hàng chục lần mỗi đêm để dỗ con ngủ và quá trình ấy chỉ dừng lại khi trời gần sáng. Việc bé ngủ ngoan trong nôi tới sáng cũng là điều phi hiện thực khi mà em bé nhất định không nằm trong nôi mà chỉ chịu ngủ khi được nằm trên giường và ngủ cùng bố mẹ.
Và sự thật ở đây đơn giản chỉ là các bà mẹ vì quá mong muốn nếp ăn nếp ngủ của con nhanh chóng đi vào quỹ đạo và tâm lý cạnh tranh độ "mát tay" khi nuôi con với các mẹ khác nên mới phóng đại về giấc ngủ và chỗ ngủ của con mình mà thôi.
Sự thật số 2: Nuôi con với hàng tá nỗi sợ hãi bủa vây
Trái với sự háo hức và niềm vui sướng khi được làm mẹ, tác giả Elizabeth Stone, một nhà văn người Mỹ đã từng viết: "Có con nghĩa là mẹ phải chấp nhận sống trong nỗi thấp thỏm, sợ hãi mỗi ngày". Sự thật này có vẻ đúng khi mà rất nhiều bà mẹ lo lắng, thậm chí sợ hãi lo cho đứa con bé bỏng của mình. Liệu con có bị ngạt thở khi đang ngủ không? Liệu cái gối này có chặn vào mũi làm con bị ngạt không? Liệu có tên trộm nào lẻn vào nhà trong lúc mẹ đang tắm và bắt cóc con mất không? Vô vàn những câu hỏi kiểu như vậy đã ám ảnh người mẹ, nhẹ thì gây ra cảm giác lo lắng, bồn chồn, không yên tâm về con, nặng hơn thì gây ra chứng trầm cảm sau sinh đáng sợ.
Đây là tâm trạng chung mà hầu hết các bà mẹ đều trải qua, nhưng tiếc rằng không mấy ai đề cập hay nói chuyện về những vấn đề này. Nguyên nhân có thể là do người mẹ không dám chia sẻ vì sợ sự chỉ trích và lên án của gia đình, bạn bè, phần vì sợ nói ra sẽ càng làm trình trạng lo lắng, nỗi sợ hãi tăng thêm, và phần cũng vì người mẹ không biết giãi bày những suy nghĩ của mình bằng cách nào. Kể cả khi bọn trẻ lớn hơn, những suy nghĩ này có vẻ vẫn không hề giảm hay biến mất.
Sự thật số 3: Luôn sợ con chậm phát triển do không đạt các mốc quan trọng như trong… sách vở
Nhiều mẹ vẫn dựa vào câu dân gian “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” để làm thước đo cho con mình. Tất nhiên tại các mốc chính xác 3 tháng, 7 tháng hay 9 tháng mà mẹ thấy con chưa biết lẫy, biết bò, biết đi thì tỏ ra lo lắng và ngay lập tức cho rằng bé bị chậm phát triển. Nhiều bà mẹ lại quá lo lắng khi thấy con không đạt được mốc phát triển nào đó so với lý thuyết hoặc sách vở nêu ra.
Đây là sự thật và rất nhiều bà mẹ đang trải qua trong quá trình nuôi dạy bé mà không hề biết rằng mỗi đứa trẻ có thể đạt các mốc phát triển ở độ tuổi khác nhau, thời gian khác nhau trong phạm vi nhất định và mẹ không hề khó để nhận ra những tiến bộ mới của bé như biết cười, biết ê a hay lật, trườn, bò, giao tiếp ngôn ngữ, vận động… mà không cần quá phụ thuộc vào sách vở nào.
Sự thật số 4: Nuôi con xuất phát từ bản năng chứ không hề giống môn học thuộc lòng
Một bà mẹ tâm sự rằng khi biết tin cô có thai và chuẩn bị sinh em bé, gia đình và bạn bè đã mua tặng cô rất nhiều sách về làm cha mẹ, cách chăm sóc trẻ, sinh dưỡng cho bé… Và điều này đã vô tình tạo cho cô suy nghĩ rằnglàm mẹ là việc gì đó cần phải học từ trong sách. Nhưng thực tế việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ phần lớn đến tự nhiên và xuất phát từ bản năng của người làm cha làm mẹ.
Cơ thể người mẹ sẽ tự học cách điều chỉnh để bế, giữ em bé sao cho an toàn. Những bài hát ru con, nhạc thiếu nhi cách đây hàng chục năm cũng bỗng dưng quay trở lại trong tâm trí để mẹ có thể hát cho con nghe. Tất cả đều xuất phát từ bản năng làm mẹ, từ trực giác vốn có chứ đây không phải như 1 môn học, chỉ cần học thuộc là có thể vượt qua. Vẫn biết nguồn kiến thức nuôi con hiện đại ngày nay là không thiếu, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thật rằng nuôi con xuất phát từ bản năng và sự trải nghiệm của bản thân chứ không hề giống 1 môn học thuộc lòng từ sách vở.