Theo chuyên gia tâm lý khi cha mẹ thấy con có các biểu hiện sớm như: chậm nói, không tương tác lại với mọi người, không ê a bắt chước âm nói, chậm hiểu, gọi không quay lại… thì nên cho con đi đến các trung tâm có chuyên môn để được hỗ trợ kịp thời.
- Bà mẹ trẻ cố tình để con gái bị bỏng, người chồng định mắng vợ nhưng biết lý do sâu xa, ai nấy đều gật gù khen làm đúng
- Bé 2 tuổi tử vong sau khi bị mắc kẹt vào một chiếc ghế mát xa đang hoạt động
Để con tự kỷ vào học ở trung tâm theo lời quảng cáo trên mạng internet
Ít ngày gần đây, thông tin về những lỗ hỏng trong quản lý, giáo dục trẻ tự kỷ tại Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) đang được chia sẻ rầm rộ, gây xôn xao trong dư luận.
Theo loạt bài của báo Vietnamnet đăng tải, được biết tại trung tâm này trẻ tự kỷ bị bỏ bơ vơ, thiếu sự quan tâm. Nhiều đứa trẻ sau 1 tháng học kỷ lục gia tại trung tâm thân xác tàn tạ, phát bệnh phải vào bệnh viện điều trị. Trung tâm cũng sẵn sàng tuyển dụng người không có bằng cấp chuyên môn, người bán hàng tạp hóa để đào tạo, sau đó họ chỉ cần vượt qua 3 “cửa ải” tung bóng, đội nước, đứng trên con lăn là trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ.
Khi trở thành giáo viên họ liên tục xưng mày - tao, lớn tiếng quát mắng, dọa có dao trong cặp khi trẻ tự kỷ không chịu tập tung bóng, đánh liên tiếp vào tay trẻ khi em không chịu ăn, cùng rất nhiều góc khuất đáng buồn khác.
Vụ việc được thông tin đã khiến không ít phụ huynh, đặc biệt là cha mẹ có con em không may mắc hội chứng tự kỷ đang được gửi tại các trung tâm đào tạo cảm thấy hoang mang.
Thực tế hiện nay ngày càng có rất nhiều trung tâm chăm sóc, dạy trẻ tự kỷ được mở ra. Có thể nói đây là môi trường sinh hoạt khá phổ biến với trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Trong trường hợp trẻ tự kỷ sinh hoạt và luyện tập không hợp lý, môi trường ăn ở không đảm bảo đã khiến một số học sinh, phụ huynh phải “tháo chạy” giữa chừng.
Bởi trước khi đưa con vào trung tâm, các cô cậu khỏe mạnh, trắng trẻo thì chỉ sau vài tháng sinh hoạt tại trung tâm chúng trở thành những đứa trẻ “thân tàn ma dại”, sức khỏe suy kiệt, mặt mũi sưng húp, tất cả phần da không có quần áo che bị chi chít hàng trăm vết muỗi đốt… Thậm chí đã có trường hợp gia đình đón về và đưa đến bệnh viện kiểm tra thì được phát hiện nhiễm vi khuẩn HP, phải điều trị hơn 1 tháng, sức khỏe mới bắt đầu bình phục.
Trước hàng loạt sự việc diễn ra bên trong trung tâm Tâm Việt được báo chí truyền thông đăng tải, rất nhiều phụ huynh bày tỏ cảm xúc lo lắng, hoang mang bởi thực tế đào tạo không giống như những gì họ quảng cáo trên mạng internet.
Để con mắc tự kỷ hàng ngày phải gánh những thiệt thòi không đáng có tại trung tâm kể trên, có thể một phần cũng xuất phát từ nhận thức của chính phụ huynh. Là người làm cha mẹ, chúng ta cần nhìn nhận đúng thực tế, từ đó đưa ra phương hướng can thiệp phù hợp, tránh tình trạng nhiều bậc phụ huynh vì không tìm hiểu ngọn nguồn, mà chỉ nghe theo lời quảng cáo trên các trạng mạng rồi tự tin gửi gắm con em mình vào những môi trường thiếu đảm bảo.
Cứ nghĩ lớn lên sẽ hết tự kỷ, nhiều cha mẹ đánh mất cơ hội vàng của đứa trẻ
Bà Nguyễn Thị Lương - Trưởng bộ phận trị liệu tâm lý trẻ em - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội - cho hay: Khi trẻ có các rối loạn tự kỷ thì gia đình nên kết hợp với những nhà chuyên môn cùng hỗ trợ trẻ một cách phù hợp và hiệu quả hơn. Nếu chỉ để trẻ ở nhà tự quản lý thì sẽ có ảnh hưởng nhất định như trẻ không biết cách kiểm soát các hành vi phá hủy, cáu kỉnh nhiều hơn... thiếu môi trường được hòa nhập.
Việc trẻ được can thiệp giúp đỡ sẽ cải thiện tích cực các vấn đề về giao tiếp tương tác, nhận thức và hành vi thích ứng. Thực tế cho thấy có khá nhiều phụ huynh tìm đến các liệu pháp xoa bóp, cấy chỉ, châm cứu... như để giải quyết các bế tắc mà con em họ đang gặp phải, tuy nhiên các hướng giải quyết này không giúp đỡ được nhiều cho trẻ.
Điều đầu tiên phụ huynh cần nhận diện đúng mức độ khó khăn của trẻ, chấp nhận vấn đề một cách tích cực. Phụ huynh nên dành nhiều thời gian để chơi và hướng dẫn trẻ từng kỹ năng nhỏ một. Bên cạnh đó cần kết hợp chặt chẽ với nhà chuyên môn để có những định hướng phù hợp theo giai đoạn. Cha mẹ nên tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, ví dụ: Kỹ năng chơi, giao tiếp, kỹ năng quản lý hành vi, kỹ năng phát triển ngôn ngữ nhận thức… Việc bố mẹ giao tiếp ứng xử trước mỗi hành động hay biểu hiện của trẻ tự kỷ cũng sẽ ảnh hưởng đến thay đổi tích cực hoặc làm tệ hơn ở trẻ.
Bà Lương thông tin thêm, tại trung tâm nơi bà làm việc cũng thường xuyên tiếp nhận khá nhiều phụ huynh đưa con ở các đối tượng khác nhau đến khám, đánh giá, tư vấn và can thiệp hội chứng rối loạn tự kỷ. Có những phụ huynh nhận diện sớm được các dấu hiệu bất thường như gọi không đáp ứng, không giao tiếp mắt, chậm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hiểu, có hành vi lạ...
Khi trẻ ở độ tuổi sớm khoảng 2 tuổi, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về rối loạn thần kinh cha mẹ cho trẻ đi khám ngay để được hỗ trợ. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn vẫn còn tồn tại nhiều phụ huynh nghĩ rằng đợi trẻ lớn hơn rồi những dấu hiệu đó sẽ hết. Với những trường hợp này cha mẹ đã vô tình đánh mất cơ hội vàng để phát hiện bất thường của đứa trẻ.
“Khi cha mẹ thấy con có các biểu hiện sớm như: chậm nói khi trẻ 16 tháng, không tương tác lại với mọi người, không ê a bắt chước âm nói, chậm hiểu, gọi không quay lại, nhìn hiếng hoặc nhìn vô định, chơi một mình, gắn bó hoặc quá quan tâm đến chi tiết/bộ phận đồ chơi, xoay tròn bất cứ vật nào, la hét, không biết nguy hiểm thì nên cho con đi đến các trung tâm có chuyên môn để được hỗ trợ kịp thời” – Bà Lương phân tích.
Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ vốn đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong nhận thức. Vì vậy đảm bảo môi trường sinh hoạt sạch sẽ, vệ sinh là yêu cầu tối thiểu của bất kỳ cơ sở giữ trẻ nào.
Việc đào tạo chuyên môn cho một đứa trẻ tự kỷ phải được kết hợp giữa gia đình và trung tâm nơi các con học tập, sinh hoạt. Có như vậy các con mới hy vọng được tập luyện và phát triển nhận thức tốt nhất.