4 yếu tố và 3 việc cần làm dưới đây được xem là "công thức" giúp cha mẹ nuôi dạy con có tương lai thành công trong mọi lĩnh vực.
Để nuôi dạy một đứa trẻ là điều không hề dễ dàng và việc giúp con trở thành đứa trẻ thành công, có tương lai sán lạn lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Theo Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa Nhi về hành vi phát triển Sumpaico Tanchanco (Trường Y Dược Ateneo, Philippines), một đứa trẻ muốn thành công trong tương lai cần phải có sự cân bằng giữa chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ).
Chỉ số thông minh (IQ) là chỉ số được sử dụng để mô tả khả năng nhận thức của một người (mức độ thông minh), còn chỉ số cảm xúc (EQ) là cách đánh giá trí tưởng tượng, sự sáng tạo, khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của một con người. Chính vì vậy, chỉ số cảm xúc quyết định 80% sự thành công của trẻ trong tương lai sau này.
Quay trở lại những năm 60 của thế kỉ trước, Tiến sĩ tâm lý học Walter Mischel, trường đại học Stanford, Mỹ đã tiến hành một thí nghiệm rất nổi tiếng có tên "Bài kiểm tra kẹo dẻo" (Marshmallow Test) đối với một số trẻ trong độ tuổi mầm non từ 4-6 tuổi. Đây là thí nghiệm giúp kiểm tra và phát hiện tính kiên trì, khả năng tự kiểm soát bản thân để đạt được mục đích cuối cùng của trẻ.
Các bé được đưa vào ngồi trong căn phòng trống và đặt một viên kẹo dẻo trên bàn. Trẻ được lựa chọn 1 trong 2 khả năng: ăn ngay viên kẹo đó hoặc chờ 15 phút và phần thưởng sẽ là được thêm viên kẹo thứ 2.
Sau khi người giám sát ra khỏi phòng, các bé đã trải qua quá trình "giằng xé nội tâm" giữa việc ăn hay không ăn với những biểu cảm rất ngộ nghĩnh. Hai nhóm kết quả được xác định. Nhóm thứ nhất: Các bé đã quyết định ăn ngay viên kẹo mà không chờ đợi. Nhóm thứ 2: Có bé kiên nhẫn chờ đợi với cái nhìn "day dứt", có bé thì che mặt, quay đi hướng khác để không nhìn thấy viên kẹo, có bé thì bắt đầu đá chân vào bàn hoặc nghịch dây buộc tóc trong lúc đợi.
Hơn 10 năm sau, 1 nghiên cứu cũng được thực hiện với chính những em bé này. Kết quả là nhóm thứ 2 gồm những em bé quyết định chờ đợi ăn kẹo đã thành công và gặt hái được nhiều thành tích trong học tập cũng như cuộc sống hơn so với nhóm trẻ quyết định ăn ngay kẹo lúc đó do các bé có nhiều khả năng nỗ lực và kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt hơn.
Đến năm 2011, một nghiên cứu hình ảnh bộ não của những đứa trẻ này khi trưởng thành cũng cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa nhóm có thể kiểm soát cảm xúc với nhóm không thể. Não của những bé có thể kiểm soát cảm xúc bản thân đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đến việc đưa ra quyết định và hành động của trẻ sau này và giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống.
Thí nghiệm tuy đơn giản nhưng đã phần nào cho thấy tính cách cũng như khả năng kiềm chế cảm xúc, kiểm soát bản thân hay nói khác đi chính là chỉ số EQ của mỗi bé có tầm quan trọng đến sự thành công của mỗi đứa trẻ khi trưởng thành.
Tiến sĩ Sumpaico Tanchanco liệt kê 4 yếu tố chính có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu nạp kiến thức của trẻ, giúp trẻ thành công như sau:
1. Hệ thần kinh trung ương
Để trẻ phát triển bình thường và thu nạp kiến thức tốt, bé cần phải có một bộ não và dây cột sống khỏe mạnh. Hệ thần kinh phát triển tốt sẽ tạo điều kiện cho việc truyền tín hiệu giữa các cơ quan, bộ phận trong cơ thể được thông suốt.
2. Thực hành
Trẻ em là đối tượng có khả năng ghi nhớ khá tốt cho nên trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều điều thông qua việc thực hành. Từ đó, trẻ sẽ đúc rút được kinh nghiệm thực tế cho bản thân.
3. Thông tin truyền thông xã hội
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, các nguồn thông tin luôn có sẵn và rất dễ tiếp cận. Cha mẹ cần lưu ý yếu tố này để hướng dẫn trẻ cách tiếp cận thông tin đúng đắn.
4. Yếu tố bẩm sinh
Một đứa trẻ đặc biệt có năng khiếu bẩm sinh sẽ có những ý tưởng và suy nghĩ đa chiều và phức tạp hơn. Yếu tố bẩm sinh cũng có ảnh hưởng đến khả năng thành công của trẻ sau này.
Như đã đề cập ở trên, một đứa trẻ muốn thành công trong tương lai cần phải có sự cân bằng giữa chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Để trẻ có thể cân bằng giữa trí thông minh và chỉ số cảm xúc giúp trẻ thành công trong tương lai, cha mẹ cần làm 3 việc sau trong quá trình nuôi dạy con:
1. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Trẻ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất để có thể phát triển tối ưu về thể chất, tinh thần, tình cảm. Não trẻ phát triển hoàn thiện gần như 90% trong 5 năm đầu đời. Nếu bị suy dinh dưỡng, chắc chắn khả năng học tập, trí tưởng tượng và sức sáng tạo của trẻ sẽ không thể đạt mức tốt nhất.
2. Cho phép trẻ khám phá
Trẻ học và nhận thức thông qua các giác quan, vì vậy cha mẹ nên cho phép con cái khám phá môi trường, cuộc sống xung quanh. Điều này giúp các bé có thể mở rộng kho tàng kiến thức của bản thân. Ngoài ra, khám phá cũng giúp trẻ tăng mối liên kết giữa bản thân và thế giới đồng thời giúp trẻ trở nên năng động hơn.
3. Khuyến khích sự sáng tạo
Sự sáng tạo không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn ngay trong chính cuộc sống hàng ngày của trẻ. Những trẻ có chỉ số cảm xúc cao thường cởi mở hơn và dễ chấp nhận thử thách. Trẻ cũng có thể xử lý vấn đề tốt và nghĩ ra các cách sáng tạo khác để tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Vì vậy, cha mẹ nên tích cực khuyến khích sự sáng tạo ở trẻ.