Danh họa Leonardo da Vinci từng nói: "Kiến thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn". Bố mẹ rèn con được đức tính này nghĩa là cánh cửa thành công đã hé mở.
- Em gái không chịu học đàn, anh trai xung phong giúp đỡ nhưng mẹ lén theo dõi mới phì cười vì cách thực hiện
- Chuyên gia chỉ cách nhận biết con bạn thuộc nhóm tính cách nào và phương pháp dạy dỗ phù hợp để trẻ thành công
Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình tài giỏi hơn người. Và bất kỳ lúc nào con làm được một việc gì đó, dù là nhỏ nhặt nhất, bố mẹ cũng đều khen ngợi hết lời để con tự tin tiếp tục phấn đấu.
Tuy nhiên, sự tự tin và sự kiêu ngạo chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Việc được nhận quá nhiều lời khen ngợi từ mọi người xung quanh sẽ khiến con rơi vào mê trận ảo tưởng về bản thân và trở nên kiêu ngạo. Theo các nhà tâm lý học, kiêu ngạo là một đức tính sẽ cản trở bước đường thành công của trẻ, vì trên thực tế không có bất kỳ ai thích làm việc với một người luôn tự xem mình là trung tâm của vũ trụ.
Bài học kiêu ngạo của nhà soạn nhạc đại tài Puccini
Giacomo Puccini (1858-1924) được biết đến là một nhà soạn nhạc thiên tài người Ý. Ông được mệnh danh là một trong những nhà soạn nhạc opera vĩ đại nhất mọi thời đại. Những buổi công chiếu của ông luôn được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Có một lần, vở nhạc kịch Tosca của ông được công chiếu 1 đêm duy nhất tại nhà hát thành phố khiến những người hâm mộ Puccini nô nức mua vé tới xem, cả khán phòng không còn một chỗ trống.
Puccini lặng lẽ trà trộn vào đám đông khán giả cùng với một người bạn. Trong suốt buổi chiếu, mặc cho khán giả vỗ tay rào rào sau khi kết thúc mỗi trường đoạn, Puccini vẫn ngồi im như tượng, thậm chí tỏ vẻ khinh thường. Thái độ của ông khiến người phụ nữ ngồi bên cạnh rất khó chịu.
Khi kết thúc vở nhạc kịch, tất cả khán giả đứng hết cả dậy, tiếng vỗ tay vang như sấm. Riêng Puccini vẫn ngồi im như cũ. Người phụ nữ quay sang Puccini hỏi: "Ông không thấy vở nhạc kịch này hay à?". Puccini gật đầu trả lời: "Tôi không thích lắm, trong vở kịch có những chỗ không ổn chút nào". Người phụ nữ lại hỏi: "Chắc ông là một khán giả quá khó tính, tôi thấy đó đều là ý đồ của tác giả mà".
Puccini lắc đầu: "Tôi thì thấy đó là một sự bắt chước, bà không thấy vở kịch có mang hơi hướng của Molière (nhà viết kịch người Pháp (1622-1673) sao? Rồi hợp xướng thì kéo dài quá, hoạt cảnh thì thiếu sinh động, nói chung tôi thấy vở kịch không có gì đặc sắc cả".
Người phụ nữ khó chịu nhìn Puccini rồi đứng lên bỏ đi. Người bạn ngồi cạnh nghe xong câu chuyện liền quay sang bảo: "Cậu đã nói vở kịch của cậu là hoàn hảo, không có một sai sót nào cơ mà, sao vừa rồi lại tự chê bai mình thế?". Puccini nhún vai trả lời: "Tất nhiên là vậy rồi, vì tôi là người khiêm tốn mà".
Sáng hôm sau, trên tất cả các báo đều có bài viết về Tosca, Người bạn cầm 1 tờ có uy tín nhất nước Ý mang tới cho Puccini xem. Ông cười ha hả và bảo đó toàn là những lời lẽ tâng bốc, không cần đọc cũng biết họ viết gì. Thế nhưng, người bạn vẫn kiên quyết bắt ông đọc bằng được.
Cầm tờ báo, Puccini ngạc nhiên khi thấy chính những lời bình luận "khiêm tốn" của mình hôm qua đã xuất hiện trong bài viết, dưới có ký tên nhà bình luận kèm ảnh. Đó chính là người phụ nữ hôm qua ngồi cạnh ông trong nhà hát.
Puccini sững sờ: "Hoá ra cô ấy chính là nhà phê bình nhạc kịch nổi tiếng, tôi chỉ nói đùa thôi mà, sao cô ấy có thể đưa chúng lên báo chứ? Thế này thì tôi còn dám nhìn ai nữa?". Còn người bạn lắc đầu, ôn tồn bảo: "Cậu giả vờ chê bai nhưng là một cách gián tiếp để khen ngợi tài năng của mình, tự tin thái quá nên cậu đã trở nên kiêu ngạo, khinh đời. Mọi người hay nói, một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu. Và tự tin không đúng lúc đúng chỗ thường dẫn đến thảm hoạ đấy, bạn thân mến ạ".
Nhà triết học người Scotland, ông Thomas Carlyle đã nói: "Tính tự cao tự đại là nguồn gốc của tất cả mọi sai lầm". Vâng, đúng là như vậy. Chẳng thế mà thỏ lại thua rùa, ếch lại bị giễu cợt là ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung.
Vì vậy, nếu bố mẹ không muốn con bị mọi người xa lánh, trở thành người thất bại trong cuộc sống thì tốt nhất bố mẹ không nên bỏ qua những dấu hiệu cho thấy con bạn đang có tính kiêu ngạo và không có một chút khiêm tốn nào.
1. Tự tin thái quá
Trẻ tự tin thái quá luôn cho rằng mình có thể làm mọi việc tốt hơn người khác, và con sẵn sàng bác bỏ mọi ý kiến đóng góp vì con tin sẽ chẳng ai có thể làm tốt hơn con. Trong suy nghĩ, con luôn cho rằng "Mình mà đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất".
2. Che giấu điểm yếu của bản thân
Trong khi những đứa trẻ khiêm tốn luôn nhìn nhận một cách rõ ràng những nhược điểm, sai lầm của mình. Đồng thời sẵn sàng đối mặt để sửa đổi những khuyết điểm đó thì trẻ kiêu ngạo thường che giấu, đổ lỗi cho người khác và không dám đối diện với sai lầm của bản thân.
3. Thích khoe khoang
Khoe khoang là một trong những biểu hiện đặc trưng của một đứa trẻ kiêu ngạo. Con sẽ thường khoe thành tích học tập, khả năng của bản thân hoặc gia thế của gia đình. Mục đích của việc khoe khoang là để thu hút sự chú ý, cũng như được bạn bè coi trọng.
4. Thích cạnh tranh
Đối với những đứa trẻ kiêu ngạo, mọi hoạt động đều mang tính cạnh tranh. Ngay cả khi chơi trò chơi đơn giản với bạn bè, con cũng luôn cố gắng trở thành người chiến thắng, đôi khi bằng mọi cách. Và khi đã chiến thắng, con sẽ thể hiện thái độ khinh thường, phán xét mọi người.
5. Thiếu tôn trọng người khác
Những đứa trẻ kiêu ngạo thường tự cho mình có quyền chê bai người khác. Ở trường, con chỉ chơi với những bạn mà con cho là cùng đẳng cấp với con như về gia cảnh, thành tích học tập… Ở nhà, con có thể quát nạt, hỗn hào với người giúp việc, với láng giềng, thậm chí với cả những người lớn trong nhà như ông bà, cha mẹ.
6. Coi bản thân là cái rốn của vũ trụ
Kiêu ngạo khiến trẻ luôn xem mình là trung tâm của vũ trụ. Con muốn được mọi người khen ngợi và quan tâm hết mực. Con không bao giờ để ý đến cảm xúc của người khác mà con chỉ chăm chăm quan tâm đến cảm xúc của chính mình. Và con yêu cầu tất cả mọi thứ con muốn đều phải được thực hiện.
Danh họa Leonardo da Vinci từng nói như thế này: "Kiến thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất".
Do vậy, bố mẹ hãy dạy con làm người thì nên tu dưỡng đức tính khiêm tốn giống như bông lúa cúi đầu. Vì trên thực tế, những người thành công thật sự đều nhờ vào một chữ "khiêm", không ngạo mạn mới có thể đi đến đích cuối cùng của thành công.