Chuyên gia tâm lý học Harvard Lisa Feldman Barrett chia sẻ 7 bí quyết dạy con để cha mẹ giúp xây dựng cho trẻ tinh thần linh hoạt, mạnh mẽ, kiên cường.
- 5 câu cha mẹ nên nói khi con không ngoan thay vì dùng roi vọt để dạy dỗ
- 4 việc làm giúp trẻ phát triển não bộ mà cha mẹ nên làm với con mỗi ngày
1. Cha mẹ hãy là người làm vườn, đừng làm thợ mộc
Người thợ mộc thì chạm khắc gỗ thành hình dạng họ muốn. Còn những người làm vườn giúp mọi thứ tự phát triển bằng cách tạo ra một môi trường màu mỡ.
Tương tự, cha mẹ có thể "điêu khắc" con mình thành kiểu người mà cha mẹ muốn, ví dụ như một nghệ sĩ violin.
Hoặc cha mẹ cũng có thể cung cấp một môi trường khuyến khích sự phát triển lành mạnh cho trẻ theo bất kỳ hướng nào.
Có thể bạn muốn con sẽ trở thành một nghệ sĩ violin vĩ đại, nhưng việc ép con tham gia các lớp học (tương tự những người thợ mộc) có thể sẽ tạo nên một nghệ sĩ bậc thầy hoặc là một đứa trẻ ghét âm nhạc.
Cách tiếp cận kiểu người làm vườn là tạo ra nhiều cơ hội tiếp xúc với âm nhạc trong gia đình và xem điều gì khơi dậy hứng thú cho trẻ.
Nếu con bạn thích gõ xoong nồi, biết đâu chừng con bạn là một tay trống thần đồng?
Khi bạn đã hiểu được mình đang trồng loại cây nào, bạn có thể "điều chỉnh đất" cho phù hợp để cây bén rễ và sinh trưởng.
2. Nói chuyện và đọc sách cho con nghe thật nhiều
Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả khi trẻ chỉ mới vài tháng tuổi và không hiểu nghĩa của từ vì chúng vẫn có lợi cho não bộ của trẻ.
Tiếp xúc ngôn ngữ giúp xây dựng một nền tảng thần kinh cho việc học sau này. Vì vậy, trẻ càng nghe nhiều từ thì hiệu quả càng lớn. Trẻ cũng sẽ có vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu tốt hơn.
Dạy cho trẻ các từ ngữ về cảm xúc (như buồn, vui, thất vọng) rất có lợi cho trẻ. Trẻ càng biết nhiều càng có thể hoạt động linh hoạt hơn.
Hãy cùng con nghiên cứu cảm xúc của mọi người, nói về nguyên nhân gây ra cảm xúc đó và ảnh hưởng của nó tới người khác:
"Con thấy cậu bé đang khóc đó không? Bạn ấy đang thấy đau vì ngã và trầy xước đầu gối. Bạn ấy chắc hẳn đang buồn và muốn được cha mẹ ôm."
Cha mẹ hãy coi mình là hướng dẫn viên du lịch đưa con khám phá thế giới bí ẩn của con người cũng như chuyển động và âm thanh của họ.
3. Giải thích cho con
Có thể bạn cảm thấy mệt mỏi kh con liên tục hỏi, "Tại sao?" Nhưng khi bạn giải thích điều gì đó cho con, bạn đã giúp con tiếp thu kiến thức mới lạ từ thế giới và giúp con dự đoán tốt hơn trong tương lai.
Đừng trả lời câu hỏi "tại sao" của con bằng "Vì bố/mẹ đã nói vậy". Những đứa trẻ biết lý do để cư xử theo cách nào đó sẽ có khả năng điều chỉnh hành động hiệu quả hơn.
Nếu tất cả những gì con biết là "Mình không được ăn bánh quy vì cha mẹ nói vậy và mình sẽ bị phạt" thì lý do đó sẽ không còn hữu hiệu khi cha mẹ vắng mặt.
Sẽ tốt hơn nếu con hiểu được rằng "Mình không nên ăn bánh quy vì mình sẽ bị đau bụng, anh chị mình sẽ buồn vì không có đồ tráng miệng", thì trẻ sẽ hiểu đúng hơn hậu quả hành động của mình và nuôi dưỡng sự đồng cảm.
4. Đánh giá hành động, đừng đánh giá con người
Khi con trai bạn đánh em gái, đừng gọi con là "cậu bé hư". Hãy nói cụ thể: "Đừng đánh em con nữa. Điều đó sẽ làm em bị đau và khó chịu. Con hãy xin lỗi em đi".
Tương tự với lời khen ngợi, đừng gọi con là "đứa trẻ ngoan". Thay vào đó hãy khen hành động của con: "Con đã không đánh nhau với em, việc này rất tốt". Cách nói này giúp bộ não của trẻ xây dựng những khái niệm có ích hơn cho hành động và bản thân.
Ngoài ra khi miêu tả nhân vật trong truyện, khi ai đó không nói thật, đừng nhận xét: "Sam là kẻ nói dối", mà hãy nói về hành động: "Sam đã nói rối".
Sau đó tiếp tục hỏi: "Con nghĩ tại sao Sam lại làm như vậy? Người khác sẽ cảm thấy ra sao khi phát hiện ra? Họ có nên tha thứ cho Sam không?"
Cách này giúp xây dựng cho con sự linh hoạt mà con cần trong cuộc sống. Nó cũng thể hiện Sam không phải sinh ra đã không trung thực, mà nói dối trong một tình huống cụ thể. Có thể Sam sẽ cư xử thành thật hơn trong những tình huống khác.
5. Giúp con bắt chước bạn
Bạn có từng chú ý rằng những công việc bạn làm hàng ngày như dọn dẹp nhà, làm cỏ vườn có thể trở thành trò chơi cho trẻ?
Trẻ em học hỏi một cách tự nhiên bằng cách quan sát, vui chơi và bắt chước người lớn. Đó là một cách học hiệu quả và mang lại cho trẻ cảm giác làm chủ.
Vì vậy, hãy giao cho con một cây chổi nhỏ, một chiếc xẻng làm vườn nhỏ hoặc chiếc máy cắt cỏ đồ chơi để trẻ bắt chước bạn.
6. Cho trẻ tiếp xúc với nhiều người (một cách an toàn)
Ngoài những người mà con bạn thường gặp như ông bà, cô dì chú bác, bạn bè, những đứa trẻ khác, hãy cố gắng cho trẻ tiếp xúc với càng nhiều người khác nhau càng tốt, nhất là khi trẻ còn rất nhỏ.
Theo nghiên cứu, những em bé tương tác thường xuyên với nhiều người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể có ích cho trẻ trong việc học các ngôn ngữ khác trong tương lai.
Tương tự, những em bé nhìn thấy nhiều khuôn mặt đa dạng có thể tự phân biệt và ghi nhớ nhiều khuôn mặt hơn trong cuộc sống sau này.
7. Cho trẻ quyền tự chủ
Trẻ em thích tự mình thử mọi thứ mà không cần bạn giúp đỡ, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc chơi ghép hình. Điều này có lợi cho trẻ, giúp trẻ phát triển cảm giác tự chủ.
Ngay cả khi trẻ có những hành vi "hư", có thể trẻ chỉ đang muốn tìm hiểu ảnh hưởng của chúng đối với thế giới.
Khi con bạn ném viên kẹo xuống sàn để bạn phải nhặt lên, có thể trẻ đang hiểu được chút gì đó về nguyên lý trọng lực. Trẻ biết hành động của mình có ảnh hưởng tới thế giới xung quanh. Vì vậy hãy nhặt viên kẹo lên cho con bạn thử lại.
Để biết được khi nào nên bước lên và khi nào nên lùi lại không phải chuyện đơn giản. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng có mặt, hướng dẫn con và quan tâm đến mọi nhu cầu của con thì trẻ sẽ không học được cách tự làm việc gì.
Đôi khi, để con tự đấu tranh sẽ giúp xây dựng cho con ý chí kiên cường và giúp con hiểu được hậu quả từ hành động của mình.