Cho con kiến thức hay hàng hiệu đắt đỏ?

Bài học làm mẹ 20/06/2023 09:46

Tôi không bao giờ cho con mặc hàng hiệu hay đeo trang sức. Emily lúc nào cũng trông giản dị. Thế nhưng kiến thức phong phú cùng sự trải nghiệm đã giúp cô bé tám tuổi trở nên thú vị và tỏa sáng.

Khi ở Sydney, Emily rất hay xin mọi người đồng xu Úc. Con cố gắng ngoan nhất, chăm chỉ nhất để có thể xin được nhiều đồng xu hơn.

“Con làm vậy để làm gì?”, tôi hỏi.

Emily đáp: “Con mang về tặng các bạn để mọi người biết con đã đi Úc”.

“Con đã đến tuổi bắt đầu mong muốn chia sẻ cuộc sống của mình với bạn bè”, tôi thầm nghĩ. “Con bắt đầu hình thành cái tôi. Con muốn tặng quà, con muốn chứng tỏ bản thân”.

Bốn ngày Emily đi tour cùng mọi người ở Sydney, mỗi ngày con đi bộ sơ sơ 10km, từ xem nhà, tham quan trường Đại học Công nghệ Sydney, trường Torrens, tham quan thắng cảnh, công viên. Việc chinh phục chặng đường 10km không hề dễ dàng ngay cả với người lớn và nó thực sự là thử thách với cô bé tám tuổi. Thế nhưng, tôi vẫn ép con phải đi, có lúc vừa mắng vừa dỗ, có lúc các cô phải thay nhau cõng Emily vì con quá mệt.

Trên đường đi, con luôn nhìn mọi thứ xung quanh bằng đôi mắt hiếu kỳ rồi đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nếu biết chắc chắn đáp án, tôi sẽ trả lời con. Ngược lại, tôi gợi ý để con tìm đáp án ở chỗ những người khác. Chẳng hạn như lần chúng tôi đến thung lũng ngoại ô Sydney để thử rượu. Emily chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giải thích về các loại rượu vàng, đỏ và trắng rồi quay sang hỏi tôi: “Tại sao có rượu vang trắng màu nhạt và có loại màu vàng vậy mẹ?”.

Đoán được một phần lý do nhưng tôi không trả lời mà gợi ý con tìm cô hướng dẫn viên tốt nghiệp đại học ngành rượu để hỏi. Emily làm theo và được giải thích cặn kẽ rằng loại vang màu nhạt là vang mới còn màu vàng là vang già.

Cho con kiến thức hay hàng hiệu đắt đỏ? - Ảnh 1

Trải nghiệm nhiều sẽ giúp trẻ tự tin hơn (Ảnh minh họa)

Rồi khi đến Trường Đại học Công nghệ Sydney, khi được cô giáo dẫn đến xem phòng in 3D, tâm trí con là vô vàn thắc mắc kiểu như phòng này để làm gì? Có phải con khủng long kia được in từ chiếc máy đó? Và liệu chiếc máy này có thể in ra nhà, cung điện hay không?

Đi đến đâu, Emily cũng đặt ra những câu hỏi và việc của tôi là định hướng để con tìm đúng người có câu trả lời. Đơn giản vì không phải cái gì tôi cũng biết, hơn hết tôi muốn con được tiếp xúc với người giỏi nhất để có câu trả lời chính xác nhất.

Một hôm nọ, trên đường đi, con hào hứng kể về một người bạn trong lớp được vinh dự gặp nữ hoàng Elizabeth khi bà còn sống. “Bạn ấy được bắt tay nữ hoàng đấy mẹ ạ”, giọng con đầy ngưỡng mộ.

“Khi về Việt Nam, con cũng có nhiều chuyện đáng tự hào để kể cho các bạn nghe đấy chứ”, tôi bật cười. “Con có thể kể về chuyến thăm trường đại học ở Úc. Mẹ tin chưa có bạn nào được trải nghiệm chuyến đi thú vị thế này cả. Nếu con ở nhà nằm xem tivi, con sẽ thấy thoải mái. Nhưng sau một kì nghỉ dài, các bạn được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ và có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, con cũng nên có gì đó cho riêng mình, như người bạn được bắt tay nữ hoàng Anh chẳng hạn. Cuộc sống chỉ trở lên thú vị khi con có nhiều trải nghiệm. Nếu không, con sẽ rất nhàm chán trong mắt các bạn. Rồi những bạn giỏi, được đi nhiều nơi có thể sẽ chán con phải không?”. Và cứ thế, Emily hoàn thành chuyến đi vô cùng năng động với mọi người.

Cho con kiến thức hay hàng hiệu đắt đỏ? - Ảnh 2

Trang bị kiến thức cho con sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với việc mua sắm cho con những thứ hàng hiệu xa xỉ (Ảnh minh họa)

Nhờ Emily “nhiều chuyện”, nhiều trải nghiệm, vốn hiểu biết phong phú mà con đi đâu cũng tự tin và được các bạn đón chào. Tôi không bao giờ cho con mặc hàng hiệu hay đeo trang sức. Emily lúc nào cũng trông giản dị. Thế nhưng kiến thức phong phú cùng sự trải nghiệm đã giúp cô bé tám tuổi trở nên thú vị và tỏa sáng.

Có lần đến thăm gia đình tỉ phú người Úc, Emily chơi đùa với hai cậu con trai của họ, tôi lo con cư xử chưa chuẩn nên liên tục xin lỗi vì Emily nghịch quá. Trái lại, hai vợ chồng người Úc khen Emily hết lời và bảo cô bé cư xử vô cùng đúng mực. Hai cậu con trai thì tranh nhau chơi với Emily và không quên hẹn gặp lại khi tạm biệt.

Kiến thức, sự trải nghiệm chính là thứ hàng hiệu đắt tiền nhất, bền vững nhất của cả người lớn và trẻ con. Thế mới nói, nhiều bố mẹ vẫn thường cố gắng “xách” con theo trong các chuyến đi, dù con lèo nhèo khóc lóc đủ kiểu. Bởi chỉ có trải nghiệm thì sau này con mới có “nhiều chuyện” đáng tự hào để chia sẻ với bạn bè và mọi người. Cũng như người lớn, mỗi chuyến đi xa thường rất mệt, nhưng nếu làm được, mỗi lần nhìn lại ta đều có quyền tự hào.

3 điều kiêng kỵ khi cha mẹ vừa qua đời

Cổ nhân có câu: “Gia hữu cố lão vật vi tam sự”, nghĩa là trong nhà có cha mẹ qua đời thì có ba việc không nên làm, nếu không gia vận sẽ sa sút.

TIN MỚI NHẤT