Những thói quen xấu của cha mẹ như việc nghiện dùng điện thoại di động có thể là nguyên nhân khiến con trẻ dễ nổi giận.
- Làm tốt 5 việc này, bố mẹ sẽ giúp con cái trở thành người tử tế: Hãy xem bạn làm được mấy việc?
- Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị lạm dụng tình dục
Nghiên cứu của Giáo sư Brandon McDaniel tại Đại học Illinois (Mỹ) được thực hiện đối với 170 phụ huynh trên khắp nước Mỹ. Phần lớn những người tham gia đều đã có con và là “tín đồ” của công nghệ. Kết quả cho thấy các bậc phụ huynh nên hạn chế tối đa thời gian sử dụng các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng…trước mặt trẻ em.
“Hãy nhớ rằng, smartphone có sức ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, hãy học cách làm chủ điện thoại di động thay vì trở thành nô lệ của chúng”, McDaniel nhấn mạnh.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư chuyên ngành khoa học gia đình và phát triển con người Brandon McDaniel đã đưa ra cụm từ “technoference” (sự can thiệp của công nghệ) cách đây khoảng 5 năm, khi ông nghiên cứu sự xâm phạm của công nghệ vào những tương tác và mối quan hệ trực diện. Phát hiện mới của ông về trẻ em và cha mẹ chúng củng cố thêm kết quả nghiên cứu về những tác động của công nghệ đối với sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, McDaniel còn cho biết thêm những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ sử dụng điện thoại sẽ cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Khi sợi dây tình cảm gia đình bị gián đoạn vì thiết bị công nghệ, những đứa trẻ sẽ dễ có những hành vi hung hăng hơn. Đây được coi là một cách đứa trẻ biểu thị thái độ phản đối của mình khi bỗng dưng bị bố mẹ bỏ rơi vì chiếc smartphone xa lạ. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể quấy khóc nhiều hơn để thu hút sự chú ý của cha mẹ.
Theo McDaniel, ở thời đại công nghệ này, việc ngày càng nhiều người dùng “nghiện” smartphone không phải chuyện lạ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên cân nhắc cố gắng giảm thiểu thời gian sử dụng các thiết bị đó như một cách làm gương cho các con của họ nếu không muốn biến chúng thành những “con nghiện” công nghệ tiếp theo.
Một nghiên cứu khác gần đây cũng cho thấy điều tương tự. Công ty công nghệ AVG thực hiện khảo sát hơn 6.000 trẻ em, từ 8-13 tuổi, ở Brazil, Úc, Canada, Pháp, Anh, Đức, Séc và Mỹ. Cuộc khảo sát phát hiện 32% trẻ em cảm thấy bị bỏ rơi khi cha mẹ dùng điện thoại. Trẻ em nói rằng chúng phải cạnh tranh với công nghệ để cha mẹ quan tâm hơn, và 28% cha mẹ đồng ý với nhận định này.
Ngoài ra, 54% trẻ em nghĩ rằng cha mẹ chúng tốn quá nhiều thời gian cho điện thoại. Đồng thời, 52% cha mẹ đồng ý với ý kiến đó của bọn trẻ và lo lắng rằng họ đang là tấm gương xấu cho con của họ.
Tony Anscombe, chuyên gia cao cấp của AVG nói: “Khi trẻ em ngày càng dùng điện thoại sớm, thì cha mẹ cần hình thành thói quen tốt trong gia đình, ngay khi trẻ còn nhỏ. Trẻ em sẽ nhìn vào chúng ta trong mọi trường hợp, vì vậy tự nhiên chúng sẽ muốn sử dụng các thiết bị mà chúng ta đang dùng. Có lẽ rất khó để không dùng các thiết bị ở nhà nhưng với một phần tư cha mẹ nói rằng họ mong con của họ sử dụng thiết bị ít đi, thì họ cần làm gương và xem xét hành vi của họ khiến con họ cảm nhận ra sao”.