Nuôi dạy con theo kiểu cha mẹ trực thăng có thể khiến bạn gặp rắc rối với chứng trầm cảm, mệt mỏi quá độ; còn cha mẹ độc đoán, chuyên quyền lại dễ đối mặt với hậu quả từ những cơn giận dữ.
- Hãy dạy con biết tự lập từ sớm bằng việc thường xuyên nói 3 câu này
- Nguyên tắc “ba không” và cách dạy con độc đáo của Tổng thống Donald Trump
Phần lớn chúng ta đều biết rằng chẳng thoải mái chút nào khi cứ phải hét vào mặt con, nhắc con mặc áo khoác vào. Nhưng liệu các cha mẹ có bao giờ dừng lại một chút để tự hỏi: cách nuôi dạy con ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình ra sao?
Cùng tìm hiểu 3 kiểu nuôi dạy con phổ biến và ảnh hưởng của chúng tới sức khoẻ:
1. Cha mẹ trực thăng
"Những phụ huynh trực thăng luôn muốn nâng đỡ, cứu nguy cho con mình" – Amy Morin, chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý kiêm giảng viên tại Đại học Northeastern (Boston, bang Massachusetts, Mỹ), giải thích. "Nếu trẻ quên giày đá bóng ở nhà hay chưa làm xong bài tập về nhà, cha/mẹ của trẻ sẽ làm hộ chúng". Cha mẹ trực thăng cũng có xu hướng không rời con nửa bước khi chơi ở công viên hay cứ 30 phút/lần lại phải xịt dung dịch rửa tay cho con...
Theo Kevin Shafer, Tiến sĩ, trợ giảng môn xã hội học tại Đại học Brigham Young (bang Utah, Mỹ), cha mẹ trực thăng "nuôi dạy con từ tâm thế lo lắng cao độ và ở họ có nhu cầu kiểm soát con". Họ thường là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, tự đặt ra áp lực nặng nề cho chính mình và xem con cái là hình ảnh phản chiếu cho thành tựu của họ".
Mọi áp lực đó khiến họ đứng trước nguy cơ bị trầm cảm hoặc mệt mỏi vì quá sức. Cảm giác lo âu không kiểm soát có liên quan tới nhiều vấn đề sức khỏe thể chất lâu dài, bao gồm bệnh tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy), mất ngủ, hệ miễn dịch bị tổn thương (tức là bạn có nguy cơ nhiễm loại virus mà bạn quá lo lắng con mình sẽ mắc phải), thậm chí, bệnh tim mạch.
Morin khuyến nghị rằng, hãy cố gắng lùi lại một chút trước khi bạn muốn "nhảy ngay vào để can thiệp và giải cứu con".
Một cách khác để xoa dịu cảm giác lo lắng: "Hãy hỏi bản thân bạn rằng, nếu một người bạn đáng tin cậy ở vào vị trí hiện tại của bạn, họ sẽ cho bạn lời khuyên như thế nào?", Morin gợi ý. Ví dụ, nếu đứa trẻ 11 tuổi muốn trông em gái 8 tuổi của mình, cha mẹ trực thăng sẽ sẵn sàng nhảy dựng lên và gạt ý tưởng này sang một bên. Rất có thể, một người bạn thân sẽ giúp trấn an bạn rằng, đứa trẻ 11 tuổi trông đứa em 8 tuổi ở nhà, trong khoảng thời gian 20 phút, là hoàn toàn bình thường và an toàn.
Morin cũng khích lệ cha mẹ để trẻ mắc sai lầm. Cưỡng lại cảm giác thôi thúc phải xen vào, phải cứu con. Làm thế không chỉ dạy trẻ rằng trẻ có thể tự đứng dậy, tự hồi phục mà còn giúp gây dựng cảm giác hãnh diện, tự do và điềm tĩnh cho chính bạn. Chúng sẽ giúp bạn giảm lượng stress hủy hoại sức khoẻ, và thậm chí còn thúc đẩy sức khỏe miễn dịch dù nhỏ.
2. Cha mẹ độc đoán (Authoritarian)
Đây là phong cách nuôi dạy con kinh điển kiểu "Cha mẹ mới là người biết điều gì tốt nhất cho con". Các hình phạt thường xuyên được áp dụng (hay ít nhất là những lời đe dọa). "Bởi cha/mẹ đã nói với con rồi mà" - câu trả lời phổ biến cho các câu hỏi của trẻ. Tiến sĩ Shafer lưu ý rằng, cách nuôi dạy con có xu hướng được truyền từ đời này sang đời khác. Và với cha mẹ độc đoán, điều này có vẻ đúng hơn các trường hợp khác.
Thêm một lần, sự lo âu là đặc điểm của những cha mẹ độc đoán. Morin lý giải: "Đôi khi, họ cảm thấy lo lắng và thay vì để trẻ tự đưa ra quyết định của mình - vốn là việc có thể làm nảy sinh vô vàn lo lắng, họ nghĩ: ‘Nếu mình kiểm soát con cái, mình sẽ không phải lo lắng về chuyện lúc nào cũng cứ đau đầu vì lo nghĩ nữa’". Nói một cách đơn giản, quát đứa con lớp 5 của bạn đi làm bài tập về nhà có thể khiến bạn thấy thoải mái hơn vì nó giải phóng bạn khỏi nỗi lo: Con sẽ không kịp làm bài. Nhưng "rốt cuộc, đứa trẻ sẽ phản kháng – và việc này hoàn toàn bình thường - còn bạn thì chưa bao giờ cảm thấy lo đến vậy".
Nuôi dạy con với sự độc đoán, chuyên quyền có thể gây bùng nổ cơn giận bên trong. Và giận dữ từ lâu đã được chứng minh là để lại những hậu quả khôn lường với sức khỏe. Khi giận dữ bùng phát, vượt khỏi tầm kiểm soát, nó khiến tim đập nhanh hơn, các cơ siết chặt lại và máu dồn từ dạ dày, ống tiêu hóa tới đầu mũi – theo Tiến sĩ W. Robert Nay, tác giả cuốn sách "Taking Charge of Anger: Six Steps to Asserting Yourself Without Losing Control".
Tiến sĩ Nay nhấn mạnh đã đến lúc cải thiện sự tự ý thức về bản thân. Một trong những bí quyết được ông yêu thích có tên "Stop, sit, breathe" (Dừng lại, ngồi xuống, hít thở). Khi cảm thấy nguy cơ bùng phát cơn giận, bạn hãy ngồi xuống và đếm từ 10 về 1.
Chuyên gia Morin cũng khuyến nghị rằng: "Não bạn hiểu rằng tư thế ngồi dựa vào đâu đó đồng nghĩa với sự an toàn, thư giãn. Hãy dành ra chút thời gian ngồi xuống và nghĩ cách xử lý; chuyển đổi từ não phải đầy ắp cảm xúc sang não trái, chuyên về phân tích và ngôn ngữ".
3. Cha mẹ dân chủ và kỷ luật tích cực
Đã được đánh giá ở phạm vi toàn cầu là phương thức nuôi dạy trẻ lành mạnh, cha mẹ dân chủ "cho phép trẻ sở hữu những không gian phù hợp với lứa tuổi mình để khám phá" - Tiến sĩ Shafer mô tả. "Nhưng đồng thời, họ đặt ra các quy tắc và yêu cầu tính nhất quán trong gia đình. Cha mẹ dân chủ rất ấm áp và luôn sẵn sàng thể hiện tình cảm, gắn kết với con cái". Kỷ luật tích cực là biện pháp cha mẹ dân chủ áp dụng để cố gắng thể hiện sự tôn trọng và tốt bụng dành cho con. Họ tập trung vào việc xác định niềm tin phía sau hành vi của trẻ hơn là bản thân hành vi. Đây chính là điểm mạnh giúp phong cách nuôi dạy con kiểu dân chủ ngày càng trở nên phổ biến những năm trở lại đây.
Ví dụ, nếu trẻ từ chối mặc áo khoác bất chấp những yêu cầu lặp đi lặp lại của bạn, hình thức kỷ luật mà cha mẹ dân chủ có thể áp dụng là ngồi xuống, ngang tầm với trẻ, hỏi trẻ rằng: "Có vẻ như con gặp khó khăn trong việc mặc áo khoác vào. Cha/mẹ có thể giúp con xử lý chuyện này không?
Morin cho biết, nuôi dạy con với sự tự tin và cân bằng, có thể giúp bạn xây dựng niềm tin vào bản thân. Và các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người có niềm tin vào bản thân nhìn chung khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Sự tự tin, lạc quan có tác dụng bảo vệ bạn khỏi trầm cảm với bởi vì chúng là các cảm xúc tích cực, chúng còn tốt cho cả cơ thể và tinh thần bạn".
Tiến sĩ Shafer bổ sung rằng, cha mẹ dân chủ có thể giảm mức độ lo lắng "bởi họ biết và hiểu con mình nhiều hơn".