Bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ 4 điều cha mẹ cần nhớ để trẻ tăng sức đề kháng, bớt ốm vặt

Bài học làm mẹ 31/12/2024 08:13

Con khỏe mạnh, bớt ốm vặt thì cha mẹ sẽ nhàn hơn trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Vậy làm thế nào để trẻ tăng sức đề kháng và luôn khỏe mạnh?

Cô con gái nhỏ của chị Trần Hà Linh (27 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dù đã gần 4 tuổi nhưng vẫn thường xuyên bị ốm khi thời tiết thay đổi.

“Tôi đã cho con đi khám nhiều nơi và các bác sĩ đều nói, phải chờ con qua 3 tuổi, khi đó hệ thống miễn dịch, đề kháng của con hoàn thiện hơn thì con mới bớt ốm vặt. Nhưng giờ con đã gần 4 tuổi, qua đốt, qua đoạn rồi mà vẫn rất hay bị ốm. Tôi đã tìm mua đủ các sản phẩm để tăng đề kháng cho con mà vẫn không ăn thua” – chị Hà Linh chia sẻ.

Bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ 4 điều cha mẹ cần nhớ để trẻ tăng sức đề kháng, bớt ốm vặt - Ảnh 1
Chị Hà Linh từng tìm mua rất nhiều các loại sản phẩm tăng đề kháng cho con

Đang nuôi 2 con nhỏ (1 bé 1 tuổi và 1 bé 3 tuổi) chị Hoàng Thị Thúy (33 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng luôn trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm sợ con bị ốm.

“Để phòng ốm cho con, tôi lên các hội nhóm trên mạng học hỏi các mẹ kinh nghiệm chăm con, cách các mẹ tăng sức đề kháng cho con. Thấy các mẹ chia sẻ về các sản phẩm tăng sức đề kháng cho con tôi đều tìm hiểu và nếu thấy phù hợp sẽ mua về cho con dùng. Mấy tháng lạnh gần đây, hầu như tháng nào tôi cũng tốn khoảng gần 1 triệu để mua các sản phẩm bổ sung, tăng cường đề kháng cho con. Nhưng tình trạng của các con cũng không thay đổi nhiều. Chị lớn đi học về mũi, ho, sốt là lại lây cho em. Có đêm cả 2 con đều ốm sốt khiến tôi chăm con đến kiệt sức” – Chị Thúy cho biết.

Bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ 4 điều cha mẹ cần nhớ để trẻ tăng sức đề kháng, bớt ốm vặt - Ảnh 2
Con ốm sốt thường xuyên khiến nhiều mẹ mệt mỏi, kiệt sức và luôn mong muốn tìm giải pháp tăng đề kháng cho con

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều các bà mẹ đang nuôi con nhỏ luôn mong muốn tìm kiếm được các giải pháp giúp con tăng cường sức đề kháng, bớt ốm vặt.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trẻ hay bị ốm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng là biểu hiện của hệ thống miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự thiếu hụt protein hoặc axit amin trong chế độ ăn uống có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch, giảm khả năng chống lại sự xâm nhập của vius, vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, để trẻ có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, cơ thể phát triển tốt, cha mẹ cần cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi.

Dưới đây là hướng dẫn của ThS.BS Nguyễn Văn Tiến về chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ ở từng độ tuổi khác nhau giúp phụ huynh có thể áp dụng tốt nhất cho con mình, để trẻ tăng sức đề kháng và bớt ốm vặt.

Bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ 4 điều cha mẹ cần nhớ để trẻ tăng sức đề kháng, bớt ốm vặt - Ảnh 3
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia

1. Nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ còn có lượng kháng thể dồi dào giúp bé tăng cường sức đề kháng, chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Chính vì vậy, cần cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu còn giúp cung cấp kháng thể từ mẹ sang con, giúp trẻ ít bị bệnh. Cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

2. Cho trẻ ăn bổ sung/ăn dặm đúng cách

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm thích hợp cho trẻ ăn bổ sung/ăn dặm là khi con tròn 6 tháng tuổi. Bởi từ 6 tháng tuổi, nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.

Giai đoạn ăn bổ sung đến khi cai sữa là thời kỳ đe doạ suy dinh dưỡng nhất đối với trẻ. Do đó, cha mẹ không nên để trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, ăn thiếu về số lượng, chất lượng, thiếu vệ sinh, để tránh dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật. Nguyên tắc cho con ăn bổ sung là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc.

Cha mẹ cho con ăn dặm theo phương pháp nào cũng được, miễn là phù hợp với hoàn cảnh gia đình và bé đáp ứng tốt nhất, ăn uống vui vẻ nhất. Đặc biệt, cha mẹ cần nhớ, bất kỳ một thức ăn bổ sung nào cũng cần được bảo quản, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bữa ăn bổ sung của trẻ phải đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ 4 nhóm thực phẩm:

- Nhóm chất bột đường (Glucid): chủ yếu là gạo, bột mì, ngũ cốc, khoai, sắn…

- Nhóm chất đạm (Protein): chủ yếu là thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc vừng…

- Nhóm chất béo (Lipit), chủ yếu là dầu, mỡ, bơ…

- Nhóm vitamin và khoáng chất, chủ yếu là các loại rau, củ, quả…

Khi cha mẹ cho trẻ ăn đủ nhu cầu, đa dạng các loại thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển tốt. Ngược lại, nếu ăn thiếu hoặc dư thừa, bé sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, hoặc có thể bị thừa cân, béo phì.

Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa… Ngoài đạm thì các các vitamin và khoáng chất cũng giúp nâng cao miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt là các vitamin nhóm B (B1, B6), vitamin A, C, D, E, sắt và kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương.

Do đó, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, củ, quả chín để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Các loại hoa quả, rau củ có nhiều vitamin này thường có màu vàng, đỏ như: cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như: rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh...

Bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ 4 điều cha mẹ cần nhớ để trẻ tăng sức đề kháng, bớt ốm vặt - Ảnh 4
Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đa dạng các loại thực phẩm, đa dạng màu sắc để tránh trẻ bị thiếu chất

3. Cho trẻ uống đủ nước

Cho trẻ uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho tế bào. Hơn nữa, nước còn có tác dụng đưa bạch cầu đi khắp cơ thể, đồng thời, đào thải những chất độc hại ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi, nước tiểu.

Do đó, việc cha mẹ cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày là một trong những cách tăng sức đề kháng cho trẻ. Lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và cường độ hoạt động thể lực của trẻ. Nhu cầu nước trung bình của trẻ là khoảng 100ml nước/ kg/ ngày, nhưng nếu trẻ sốt hoặc tiêu chảy thì sẽ tăng thêm lượng nước mất, bù ngay sau khi nôn hoặc tiêu chảy.

4. Cho trẻ ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đóng vai trò quan trong đối với mỗi người, đặc biệt là trẻ em. Một giấc ngủ sâu và đủ dài rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, hỗ trợ tăng sức đề kháng và giúp phát triển trí tuệ, chiều cao, cân nặng cũng như tạo tinh thần thoải mái. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo cho con một giấc ngủ sâu từ 8 - 11 tiếng tùy theo độ tuổi. Thời gian ngủ như sau: trẻ từ 4 - 12 tháng: ngủ 12-16 giờ; trẻ từ 1 - 2 tuổi: ngủ 11-14 giờ, trẻ từ 3 - 5 tuổi: ngủ 10-13 giờ.

Những ứng dụng công nghệ giúp việc làm mẹ trở nên đơn giản hơn

Làm mẹ là một hành trình tuyệt vời và đầy ý nghĩa, nhưng cũng không ít những thử thách. May mắn thay, trong thời đại số hóa hiện nay, công nghệ đã trở thành một công cụ vô cùng hữu ích giúp các mẹ đơn giản hóa việc chăm sóc con cái.

TIN MỚI NHẤT