Với bố mẹ con cái là vàng là bạc, thế nhưng bởi quá kì vọng vào con nên nhiều bậc phụ huynh có những hành vi sai lầm vô tình khiến con sau này trở thành người bất tài, vô dụng.
- Mẹ trẻ dùng bìa làm đồ chơi để dạy con kĩ năng sống
- Nguyên nhân trẻ lười ngồi vào bàn học và cách để bố mẹ giúp con khắc phục
1. Cha mẹ luôn đánh thức con dậy đi học vào mỗi buổi sáng
Rất nhiều bậc cha mẹ luôn cho rằng việc gọi con dậy thật sớm vào buổi sáng để đi học là chuyện bình thường, nhưng bố mẹ không biết rằng điều đó chính là đang tước đi cơ hội để con học cách quản lý thời gian.
Vì vậy, bố mẹ nên huấn luyện con cái đặt đồng hồ báo thức và phân bổ thời gian đi ngủ, thức dậy hợp lý thì tốt hơn là vào phòng đánh thức con.
2. Chuẩn bị đồ ăn và ép con ăn
Nhiều ba mẹ luôn lo rằng con ăn không đủ no, không đủ dinh dưỡng đẻ khôn lớn nên lúc nào cũng tự tay chuẩn bị rất nhiều thức ăn và ép bé ăn nhiều mà không biết rằng đã vô tình tạo thói quen lười biếng cho con.
Từ khi con 5 tuổi, mẹ nên dạy bé cách làm những bữa sáng đơn giản và để con tự lo bữa ăn cho mình, tất nhiên mẹ nên kiểm soát và đảm bảo bé không gặp nguy hiểm.
3. Bố mẹ luôn mang đồ đến trường giúp con
Có trường hợp con gọi điện nói với bố mẹ rằng con quên mang một số dụng cụ học tập hoặc con cần thứ gì đó, bố mẹ liền mang đồ đến trường cho con ngay mà không biết rằng điều này có thể khiến đứa trẻ học thói quen cẩu thả trong tương lai.
Thay vì kiểm tra lại đồ đạc trước khi đến trường, con sẽ mặc kệ, vì bé biết rằng, nếu mình quên thứ gì đó thì bố mẹ sẽ đem đến giúp mình ngay lập tức. Tuy nhiên đừng quá cứng nhắc trong những trường hợp thực sự con cần đến bố mẹ nhé!
4. Bố mẹ luôn giặt quần áo cho con
Khi bố mẹ biết trẻ đã đủ lớn để làm việc nhà, bố mẹ hãy để bé tự làm thay vì làm giúp con. Hãy dạy con cách sử dụng máy giặt cũng như giặt đồ bằng tay và để bé tự giặt quần áo của mình, có như vậy trẻ mới trở thành đứa bé có kỷ luật và trách nhiệm trong tương lai.
5. Bố mẹ luôn than phiền với giáo viên khi con bị phạt
Một số ông bố bà mẹ quá xót xa con khi con bị giáo viên phạt vì bất cứ lỗi nào đó, họ không ngần ngại đến gặp giáo viên để “cảnh cáo”, “dằn mặt” . Thay vì làm điều này, bố mẹ hãy để giáo viên dạy dỗ con mình và có thể phạt bé khi bé có hành vi không đúng chuẩn mực.
Bố mẹ cũng cần hướng dẫn con để bé không mắc sai lầm nữa thay vì bênh con chằm chặp. Cái việc bênh con quá mức sẽ khiến cho trẻ không còn muốn nghe theo sự giáo dục của thầy cô giáo.
6. Bố mẹ luôn ép con học quá nhiều
Ngày nay cái việc này đúng là quá phổ biến, ép con học quá nhiều và cho con thời gian biểu kín lịch, bố mẹ nghĩ rằng điều này sẽ tốt cho tương lai con cái. Nhưng thực ra đây là suy nghĩ hết sức sai lầm. Khi bị ép học, trẻ sẽ chán ghét việc học, thậm chí chúng có thể chống lại bố mẹ khi thấy mình không được quyền đưa ra bất cứ quyết định nào.
7. Bố mẹ luôn làm bài tập về nhà giúp con
Khi con nhờ chỉ cách giải bài tập hay làm tập làm văn, nhiều bố mẹ vì quá bận rộn hoặc thấy phiền phức vì nói hoài con không hiểu, đã nghĩ ra cách là làm giúp bé. Điều này rất tai hại vì nó làm cho trẻ không còn muốn động não để suy nghĩ, con cũng chẳng cần phải cố gắng gì cả.
Cuối cùng, trẻ không tiếp thu thêm được chút kiến thức nào. Bố mẹ gián tiếp khiến cho con lười suy nghĩ truớc những việc khó và luôn ỉ lại có bố mẹ.
8. Bố mẹ luôn thỏa hiệp với con
Nhiều trẻ cảm thấy chán ghét việc học, thấy áp lực việc học, bố mẹ thay vì tìm ra nguyên nhân để giúp con và làm cho con yêu thích việc học thì lại cho bé nghỉ học hoặc mặc kệ con khi thấy bé không thích thú với việc học.
Điều này không thể giải quyết được bất cứ điều gì, từ nỗi căng thẳng, sợ hãi của bé. Hãy khuyến khích con chia sẻ để tìm giải pháp sẽ tốt hơn.
9. Bố mẹ luôn trải thảm sẵn cho cuộc đời của con
Với một số gia đình, bố mẹ không quan tâm việc học của con cũng như những gì con gặt hái được, vì họ đã trải thảm sẵn cho con và con chỉ việc bước đi trên con đường đó vì bố mẹ đã lo hết. Nên nhớ, điều gì cũng có thể xảy ra, bố mẹ có dám chắc mình có thể bảo bọc con suốt đời?
Vậy nên, hãy để con tự bước đi bằng đôi chân của mình, cho trẻ tự lập và đừng can thiệp quá nhiều vào cuộc đời trẻ.