Làm cha mẹ tốt không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là những ai mới đầu làm cha, làm mẹ. Nhưng đây là 6 kỹ năng làm cha mẹ tốt bạn có thể tự tin áp dụng.
- Gợi ý 9 hoạt động chống chán cho các bé ở nhà tránh dịch dài ngày – trò số 6 và 8 cực dễ chơi lại giúp kích thích óc sáng tạo của con
- Cậu bé đang đi bỗng lăn đùng ra đất ăn vạ, nhưng hành động của ông bố khiến mọi người hoang mang không biết ai mới là người sai
Chẳng có sách vở nào hướng dẫn bạn cách làm cha mẹ tốt một cách chính xác nhất. Bởi vì mỗi đứa trẻ là một đặc điểm khác nhau, mỗi gia đình là một nền tảng khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có những quy tắc, bí quyết chung dành cho các ông bố bà mẹ để trở thành những người cha mẹ tốt trong tương lai.
1. Làm gương cho con
Chúng ta đã trưởng thành nhưng nếu nhớ về những ngày thơ ấu, chắc có lẽ nhiều người gặp trường hợp ít nhất một lần không nghe lời khuyên của bố mẹ. Theo các chuyên gia thì nếu muốn trẻ trở thành một người chân thành, có trách nhiệm, chăm chỉ thì cha mẹ cũng phải là những người như vậy.
Trẻ em rất dễ bắt chước hành động của người lớn. Vì thế, để nuôi dạy con trở thành một người tốt, chính cha mẹ là những người phải để ý đến lời ăn tiếng nói, đến cách cư xử với nhau, đến cả cách quan tâm đến nhau.
2. Dành thời gian lắng nghe
Một kỹ năng để trở thành cha mẹ tốt bạn có thể áp dụng đó là lắng nghe con. Điều này nói thì dễ nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể áp dụng được. Bởi vì có nhiều người còn mang công việc về nhà, làm cả buổi tối không có thời gian dành cho con.
Mỗi khi con nói điều gì, chúng ta cũng chỉ ậm ừ cho qua và bảo rằng bố mẹ bận lắm, con xem đi rồi lát nữa nói chuyện... Nhưng có thể ngay lúc đó con sẽ thất vọng vì cha mẹ không lắng nghe con nói.
Vì thế, dù bận đến mấy, cha mẹ hãy dành thời gian để nói chuyện, lắng nghe con nói. Khi lắng nghe con, cha mẹ cũng có thể biết được con đang nghĩ gì, muốn gì và tâm trạng của con có điều gì bất ổn hay không.
3. Bày tỏ niềm hi vọng
Khi nói chuyện với con, cha mẹ rất muốn nói cho con biết những kỳ vọng của mình đối với con. Nhưng hãy chắc chắn rằng cha mẹ không nên áp đặt những điều đó khi con không sẵn sàng lắng nghe.
Cha mẹ cũng không nên nói con phải làm thế này, con phải làm thế kia, chỉ đơn giản là nêu ra niềm hi vọng của mình mà thôi.
Hơn nữa, khi nói chuyện với trẻ, bạn cũng nên trình bày thật ngắn gọn điều mình mong muốn là gì và hậu quả khi con làm ngược lại. Nếu trẻ đang không muốn nghe hoặc tâm trạng không tốt, bạn cũng không nên nói ra những điều đó vì trẻ sẽ khó mà tiếp thu được trong tình huống đó.
4. Thiết lập ranh giới
Để trở thành cha mẹ tốt nuôi dạy những đứa con ngoan, bạn có thể học cách thiết lập ranh giới. Tuy nhiên, nếu hạn chế con hoặc quá nghiêm khắc, các con sẽ cảm thấy áp lực và tù túng.
Trái lại, cha mẹ có thể đặt giới hạn an toàn cho con nhưng vẫn có đủ không gian cho con chơi đùa, học tập và khám phá. Chẳng hạn, con có thể chơi đùa trong vườn nhà mình nhưng không được tự ý đi ra khỏi cổng mà không xin phép.
5. Nhất quán
Khi thiết lập ranh giới, cha mẹ thường sẽ phải đưa ra những hình phạt nặng nhẹ nếu trẻ vượt qua những điều cha mẹ đã quy định. Thường thì trẻ rất tò mò và có thể vượt qua những điều cha mẹ cấm đoán như để khám phá, để "thử" cha mẹ có phạt mình hay không.
Nếu không nhất quán và cha mẹ không thực thi khi con vi phạm, chắc chắn những ranh giới cha mẹ đặt ra là vô nghĩa vì trẻ vẫn có thể tái phạm.
6. Bày tỏ tình yêu thương
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng để trở thành cha mẹ tốt. Hãy chắc chắn rằng trẻ luôn nhận được tình yêu thương, những cái ôm ấm áp hàng ngày từ cha mẹ chứ không phải lúc nào cũng quát nạt, đòn roi.
Không chỉ bày tỏ tình yêu với con, cha mẹ cũng nên bày tỏ sự quan tâm đến nhau, quan tâm đến người trong gia đình. Các con sẽ lấy đó là nền tảng gia đình hạnh phúc để có thể noi theo khi lớn lên. Nếu không, các con dường như cảm thấy thiếu tự tin và hạn chế sự phát triển về mặt cảm xúc.