Các bậc phụ huynh có thể dạy con rất nhiều điều, nhưng có một thứ họ thường không ưu tiên trong việc giáo dục con cái, đó là cách quản lý tiền bạc.
- 14 sai lầm khi cho trẻ ăn cha mẹ thường mắc phải, gây ảnh hưởng xấu về lâu dài
- 5 lợi ích tuyệt vời khi cha mẹ đọc sách cùng con mỗi ngày
Thiếu những kiến thức căn bản về tài chính này sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong tương lai khi mới trưởng thành.
Do đó hãy dạy con các kỹ năng quản lý tiền bạc ngay từ sớm để chuẩn bị hành trang cho con bước vào đời.
Dưới đây là 5 mẹo dạy con về tiền bạc mà chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số Michael Prywes áp dụng để dạy con cái ngay từ nhỏ.
1. Mở cho con một tài khoản tiết kiệm
Có nhiều phụ huynh thường mở một tài khoản tiết kiệm không lâu sau khi con chào đời.
Nhưng thực tế đứa trẻ không tham gia trực tiếp trong việc tiết kiệm cho tài khoản này.
Nên mở cho trẻ một tài khoản khi trẻ đã có thể hiểu khái niệm về tiền bạc.
Trẻ thường được nhận tiền mừng tuổi dịp Tết hay được cho tiền dịp sinh nhật. Chúng sẽ cảm thấy mình trưởng thành hơn khi mình được gửi tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng.
Đây là kỹ năng tiết kiệm về lâu dài cho bất kỳ ai.
2. Đừng trả tiền cho con làm việc nhà, hãy trả tiền cho công việc thật
Nhiều cha mẹ áp dụng cách trả tiền cho con dọn dẹp phòng hay rửa chén bát.
Nhưng Michael Prywes không bao giờ làm như vậy, vì đó là nhiệm vụ hàng ngày của trẻ và sau này sẽ chẳng có ai trả tiền cho chúng làm những công việc đó.
Anh chia các công việc thành hai loại: việc nhà và việc được trả lương.
Những việc như dọn phòng, đổ rác được cho là việc nhà hàng ngày và con sẽ không được trả tiền cho công việc đó khi trưởng thành.
Với các công việc khác như dọn dẹp sân vườn và các công việc nặng hơn mà bạn có thể trả tiền để thuê người khác làm, anh sẽ trả tiền cho con làm việc đó.
Đây là cách giúp các bậc phụ huynh dạy trẻ giá trị của lao động và kiếm tiền.
3. Học về khái niệm phạt tài chính
Trong thực tế có rất nhiều tình huống phạt tiền như vi phạm giao thông, vi phạm quy định của chung cư, tập thể...
Trẻ cần học khái niệm này từ sớm. Khi trẻ nghịch ngợm và cố tình phạm phải những sai lầm mất tiền, đừng bao che cho trẻ.
Thay vào đó hãy phạt trẻ bằng cách rút khoản tiền từ tài khoản tiết kiệm của con và giải thích vì sao hành vi sai trái của con dẫn tới việc bị rút tiền.
Điều đó sẽ dạy con biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình.
4. Khuyến khích con chi tiêu khôn ngoan
Không ít cha mẹ nuông chiều con theo bản năng bằng cách đáp ứng mua cho con mọi thứ con muốn.
Tuy nhiên điều này sẽ không giúp trẻ biết cách quản lý tiền bạc.
Hãy để trẻ mua những món đồ chơi đặc biệt, bộ quần áo trẻ thích bằng chính tiền tiết kiệm của trẻ.
Khi đó trẻ sẽ học được kỹ năng chi tiêu, học được sự nhẫn nại hơn khi phải tiết kiệm và trả tiền để mua đồ bằng chính tài khoản của mình.
5. Đầu tư
Có rất nhiều người biết cực ít hoặc chẳng biết gì về cơ chế đầu tư. Đây là kỹ năng nên được phát triển ngay từ sớm và sẽ có ích về lâu dài.
Nếu bạn có tham gia đầu tư, hãy đưa con cùng đi gặp người môi giới, để con quan sát tiến trình làm việc.
Hãy dạy con các nền tảng căn bản về đầu tư, kết hợp với kỹ năng quản lý tài khoản ngân hàng, làm việc kiếm tiền, tiết kiệm,... sẽ giúp con trở thành một chuyên gia quản lý tài chính của riêng mình.