Muốn con có một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc và thành công, các cha mẹ cần tránh những sai lầm dưới đây.
- 6 bài học người Do Thái dạy con, cha mẹ nào cũng nên học hỏi
- Biết con gái yêu sớm, mẹ không trách mắng mà làm một việc khiến con tâm phục khẩu phục
Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, giảng viên Đại học Northeastern (Mỹ) nhận thấy rằng nếu cha mẹ muốn nuôi dạy những đứa con có tinh thần mạnh mẽ để sống hạnh phúc và thành công, chính cha mẹ cũng phải có một tinh thần mạnh mẽ.
Cha mẹ phải dám để con gặp thử thách, đối diện sợ hãi và chịu trách nhiệm khi mắc lỗi.
Đó là những trải nghiệm cần thiết để con có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Dưới đây là 5 lời khuyên của Amy Morin cho các bậc phụ huynh.
1. Không cho con ôm tâm lý nạn nhân
Bị loại khỏi đội bóng hay không theo kịp các bạn trên lớp không khiến trẻ trở thành nạn nhân. Việc bị loại, bị từ chối, thất bại, thiếu công bằng,... là một phần của cuộc sống.
Thay vì để trẻ ôm tâm lý nạn nhân, tự cho mình đáng thương, thì những cha mẹ mạnh mẽ cần khuyến khích trẻ biến những khó khăn thành sức mạnh.
Hãy giúp con xác định cách để sống tích cực, vượt qua hoàn cảnh.
2. Không cảm thấy áy náy, có lỗi với con
Cảm giác áy náy sẽ dẫn tới những sai lầm trong việc dạy con, chẳng hạn quá chiều chuộng con vì tâm lý muốn bù đắp, hay dễ dàng nhân nhượng con dù trước đó đã từ chối.
Các bậc cha mẹ không nên cảm giác áy náy lấn át, dẫn tới đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan.
3. Không biến con thành trung tâm của vũ trụ
Nhiều cha mẹ muốn lúc nào cũng đặt con lên hàng đầu, để toàn bộ cuộc sống của mình để xoay quanh con.
Tuy nhiên những đứa trẻ tự cho mình là trung tâm của vũ trụ sẽ trở nên ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ và tự cho mình quyền muốn làm thì thì làm.
Cha mẹ cần dạy trẻ tập trung vào việc mình mang lại điều gì cho xã hội thay vì mình sở hữu hay có được thứ gì.
4. Không để sợ hãi lấn át việc dạy con
Việc bao bọc con trong một vòng tròn an toàn có thể giúp cha mẹ bớt đi nhiều nỗi lo. Tuy nhiên nếu cứ mãi giữ con trong vòng tròn ấy, cha mẹ sẽ vô tình cản trở sự phát triển của con.
Cha mẹ đừng nên coi mình là người bảo hộ, mà hãy là người dẫn đường cho con. Hãy cho phép con bước ra thế giới để khám phá và trải nghiệm, dù điều đó có thể khiến bạn lo lắng và sợ hãi.
5. Không cho con quyền lực vượt cha mẹ
Những đứa trẻ có quyền lực định đoạt từ việc cả nhà ăn gì buổi tối, sắp xếp lịch trình cuối tuần cho cả gia đình,... có thể đang có quá nhiều quyền lực trong gia đình.
Để con có quyền lực ngang bằng hoặc thậm chí là hơn cả cha mẹ không phải điều tốt cho con.
Cha mẹ cần trao quyền cho con một cách thích hợp, vừa cho con có một số quyền lựa chọn, vừa duy trì trật tự lớn nhỏ rõ ràng trong gia đình.