Nếu không muốn rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khi sinh con đầu lòng, hãy “khắc cốt ghi tâm” 5 bài học kinh nghiệm của chính bà mẹ này.
- 10 nỗi đau bất đắc dĩ, ai làm mẹ cũng phải thấu: Đàn ông nên đọc để thương vợ nhiều hơn
- Sao Việt lần đầu làm mẹ: Từng rối loạn tâm lý, chật vật với biến cố ăn dặm của con
Lần đầu làm mẹ quả là giai đoạn đầy khó khăn và thử thách dành cho những người phụ nữ. Nhưng thực tế không phải ai cũng có thể mường tượng ra hết được tất cả những khó khăn ấy, bởi chỉ có thực tế trải nghiệm và tự mình vượt qua thì mới thấm thía và hiểu hết được cảnh nuôi con nhỏ vất vả nhường nào, đặc biệt khi đó lại là lần đầu tiên.
Một bà mẹ trẻ đã quyết định chia sẻ tất tần tật những kinh nghiệm quý giá của bản thân sau khi sinh con đầu lòng tới đông đảo các mẹ bỉm sữa khác với hy vọng những kinh nghiệm của chị sẽ phần nào có ích với người sắp làm mẹ. Đó là Patricia Lin, hiện đang là nhân viên marketing đến từ Singapore, sau khi sinh bé Nathaniel. Chị đã khá bỡ ngỡ vì gia đình có thêm thành viên mới, mọi sự tập trung đều được dồn vào em bé khiến chị đôi lúc cảm thấy mệt mỏi và nhiều lần phải khóc thầm. Vậy nên, các bà mẹ tương lai, nếu không phải chịu chung cảm giác căng thẳng, mệt mỏi khi lần đầu làm mẹ như Patricia, hãy “khắc cốt ghi tâm” 5 bài học kinh nghiệm của chính bà mẹ này.
1. Không nhất thiết phải làm theo ý kiến của những người xung quanh
Bài học đầu tiên Patricia chia sẻ đó là người mẹ phải luôn có lập trường vững vàng và tin vào bản năng làm mẹ, biết điều gì tốt và nên làm cho con mình mà không cần phải làm theo tất cả ý kiến của những người xung quanh. Chị khẳng định: “Em bé mới sinh không còn là vấn đề của hai vợ chồng nữa, mà đó là sự kiện của cả 2 bên gia đình nội-ngoại. Và tất nhiên, mỗi người sẽ có một quan điểm, suy nghĩ khác nhau về cách chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Họ sẽ gợi ý, đôi khi còn là áp đặt người mẹ cần phải làm thế này, phải làm thế kia với em bé hay chính người mẹ. Nhưng không! Hãy tỉnh táo và có lập trường, đừng ép bản thân phải làm theo ý kiến hay chỉ định của người khác. Chỉ có người mẹ mới biết rõ nhất điều gì cần và tốt cho con và cho chính bản thân mình”.
2. Lựa chọn kĩ càng nếu muốn thuê giúp việc, người trông trẻ
Đây thực sự là vấn đề khá đau đầu của nhiều gia đình và những phụ nữ mới làm mẹ. Khi họ không có sự hỗ trợ từ hai bên gia đình thì lựa chọn thuê giúp việc, người trông trẻ không phải là hiếm. Tuy nhiên, theo Patricia, các mẹ cần hết sức lưu ý khi chọn người bởi chị đã từng trải qua 3 tuần “sống chung với lũ” khi người giúp việc liên tục cằn nhằn và phàn nàn về đồ ăn, phong cách sinh hoạt và cách chăm sóc trẻ nhỏ của gia đình chị.
Bà mẹ này chia sẻ: “Các mẹ cần xác định chúng ta mới là chủ ngôi nhà, và việc thuê người đến giúp việc có nghĩa họ chỉ là người hỗ trợ, phụ giúp, chỉ đơn giản là vậy thôi. Mẹ cần đặt ra các nguyên tắc để giới hạn mức độ trách nhiệm và quyền hạn của họ trong gia đình và tìm hiểu thật kĩ trước khi đưa bất cứ ai về nhà. Kể các các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần điều chỉnh sao cho phù hợp với lối sống và không làm ảnh hưởng tới em bé trước khi đưa họ trở thành thành viên trong nhà”.
3. Cho con bú bình hay bú mẹ?
Cuộc chiến cho bé bú mẹ trực tiếp hay bú bình có lẽ chưa bao giờ tắt bởi có quá nhiều quan niệm cho con bú khác nhau. Từ quan điểm cho bé bú mẹ hoàn toàn nhằm tăng sức đề kháng, sự liên kết mẹ con cho đến việc có nên cho bé suống thêm sữa công thức vì sợ bé đói hay không, tất cả đều có khiến người mẹ bối rối và mệt mỏi. Riêng với Patricia, sau một thời gian vất vả cho con bú, con quấy khóc khiến mẹ mất ngủ và giờ giấc ăn ngủ của bé không ổn định, bà mẹ này đã quyết định vắt sữa ra bình và để cho người giúp việc hỗ trợ cho bé ăn mỗi khi bé có nhu cầu.
“Có thể mọi người sẽ phán xét và không đồng tình với cách làm của bạn, họ có thể kêu lên sao lại không cho con bú trực tiếp, sao lại cho con bú bình. Nhưng hãy bình tĩnh và bạn chỉ cần hiểu rằng bạn đang làm điều tốt nhất cho cả bé và mẹ. Điều quan trọng là 2 mẹ con thấy thoải mái và bé vẫn phát triển tốt là mẹ có thể an tâm”, người mẹ này khẳng định.
4. Nếu mệt mỏi, hãy đề nghị giúp đỡ
Thời gian đầu bước vào việc chăm sóc con nhỏ với những công việc không tên, cảm giác căng thẳng, mệt mỏi do thiếu ngủ, con quấy khóc, những lời góp ý, nhắc nhở về việc ăn uống, sinh hoạt sẽ luôn bao trùm lấy người mẹ. Bản thân người phụ nữ sẽ không tránh khỏi những lúc tuyệt vọng, trầm cảm. Chính vì vậy, bà mẹ 1 con này khuyên chị em phụ nữ hãy cố gắng vượt qua giai đoạn này, nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy tìm cho mình một bờ vai để tựa, nếu khóc có thể giúp làm dịu những căng thẳng đó, hãy cứ khóc. Patricia bật mí thay vì liên tục kêu ca và phàn nàn với người chồng, người bạn đời của mình thì việc dựa đầu vào vai họ và chỉ im lặng sẽ đem lại hiệu quả hơn, tránh mang lại căng thẳng cho cả hai bên.
5. Tham khảo thêm thông tin trên mạng
Patricia cho biết: “Nếu không tìm hiểu thêm thông tin trên mạng thì có lẽ tôi đã làm theo những lời khuyên của mọi người xung quanh một cách mù quáng rồi. Những việc làm tưởng là có lợi và tốt cho em bé và cả tôi nữa, nhưng thực ra khi tìm hiểu sâu hơn thì nó lại có tác dụng ngược lại”. Đơn giản vì chúng ta là những bà mẹ thời hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt được những gì tốt hay không tốt cho chính bản thân và em bé, vậy nên hãy là những bà mẹ thông minh và cân nhắc kĩ trước khi áp dụng bất cứ điều gì.