Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết rèn luyện cho trẻ tư duy độc lập là việc làm cực kỳ quan trọng để trẻ có thể tự lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống của mình một cách khoa học.
- Trẻ tư duy tốt, ghi nhớ lâu nếu cha mẹ thường xuyên trò chuyện theo cách này từ nhỏ
- Thói quen đơn giản giúp con có tư duy phản biện
Theo kết quả nghiên cứu của Giáo sư Jonhny (Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh), cha mẹ có thể dạy trẻ tư duy độc lập kể từ thời điểm trẻ bắt đầu giao tiếp và điều khiển các ngón tay trong việc cầm nắm. Sau 22 tuổi, tư duy độc lập sẽ trở thành bản tính bền vững ở người trưởng thành.
Trước 22 tuổi, trẻ không được dạy về tư duy độc lập thì mức độ thành công trong cuộc sống sau này sẽ không cao. Trẻ sẽ trở thành một trong những nhóm người: Chạy theo số đông; Nhóm người thụ động, không biết làm gì; Nhóm người làm việc tùy hứng, nóng nảy. Trừ khi có biến cố lớn xảy ra trẻ mới thay đổi để trở nên tích cực hơn.
Do đó, để dạy trẻ tư duy độc lập, cha mẹ có thể áp dụng 4 cách sau:
Cách dạy trẻ tư duy độc lập
Khuyến khích trẻ chủ động
Cha mẹ hãy làm cho trẻ xem bất kỳ một hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, sau đó khuyến khích con làm lại thay vì làm thay.
Ví dụ: Cha mẹ hãy rủ bé tham gia trò chơi xé giấy theo nếp gấp. Khi bạn gấp nếp và xé theo các đường này, hãy hướng dẫn trẻ làm theo. Nhiều cha mẹ nghĩ ra cách xé dở một phần, phần còn lại để trẻ tiếp tục xé. Tuy nhiên, đây không phải là cách hay. Vì lúc này bé sẽ không hiểu được làm sao để xé giấy một cách độc lập.
Cho trẻ lựa chọn
Khi đưa bé đi siêu thị hoặc mua tặng bé các món đồ chơi, mẹ nên thường xuyên sử dụng câu nói: "Con hãy chọn đi!". Khi bạn mua cho trẻ bất cứ vật gì, hãy để trẻ chọn 3 - 4 món đồ cùng chủng loại. Tiếp đến hãy nêu 1 - 2 câu mô tả ưu khuyết điểm của những món đồ để gợi ý trẻ ra quyết định cuối cùng.
Ví dụ: "Chiếc ô tô có màu sắc rất đẹp nhưng khi chơi con rất hay làm rơi bánh xe ra ngoài. Còn món này tuy không đẹp bằng nhưng có thể xếp thành xe hơi hoặc máy bay. Vậy bây giờ con muốn chọn chiếc nào?"
Trò chuyện cùng trẻ, chú ý sử dụng những câu chuyện có tính liên kết và logic
Phương pháp này sẽ giúp trẻ bắt đầu hình thành khả năng liên kết, tự suy nghĩ.
Mẹ nên sử dụng các cấu trúc có cặp quan hệ từ trong ngữ pháp tiếng Việt: "Nếu...thì..."; "Vì...nên..."; "Mặc dù...nhưng...".
Ví dụ: Nếu mẹ để viên đá bên ngoài tủ lạnh thì đá sẽ tan ra thành nước.
Khuyến khích trẻ giải thích
Cha mẹ hãy lặp lại câu hỏi để trẻ tự tìm lời giải thích.
Ví dụ:
Mẹ: Hôm nay trăng sáng nhỉ. Con nhìn xem trăng có to không?
Con: Dạ to!
Mẹ: Ông trăng hình gì thế con?
Con: Dạ ông trăng tròn?
Mẹ: Tròn như thế nào hả con?
Con: Tròn vành vạnh ạ!
Mẹ: Giỏi lắm! Trên cung trăng thì có ai nữa con?
Con: Dạ có chú Cuội và chị Hằng.
Các cuộc đối thoại của mẹ và bé sẽ giúp con hình thành tư duy và có thêm hiểu biết về thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, cha mẹ nên dạy trẻ làm những việc trong khả năng và phù hợp với độ tuổi phát triển như: Mặc quần áo, cất giày dép, dọn đồ chơi hoặc gấp quần áo cùng mẹ.
Có thể thấy, suy nghĩ độc lập và có tư duy là những yếu tố cần rèn luyện từ nhỏ để trẻ hình thành tính tự lập khi lớn lên. Mỗi đứa trẻ đều có não bộ dành riêng cho quá trình tư duy độc lập. Điều quan trọng là cha mẹ cần hướng dẫn để trẻ biết cách sử dụng chức năng này sao cho hiệu quả, dễ dàng trong việc hoạch định tương lai bản thân.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)