Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, cha mẹ nên hướng dẫn con tự bảo vệ bản thân để không bị bắt nạt ở trường.
- Con đi học mẫu giáo: Mẹ ít đòi hỏi giáo viên, con sẽ ít có nguy cơ bị bạo hành
- Xử trí chấn thương tâm lý khi trẻ bị bạo hành, xâm hại
Sự việc xảy ra vào khoảng đầu tháng 12/2017 tại huyện Kiến Thủy, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từng khiến cộng đồng mạng nước này dậy sóng về tình trạng bạo lực học đường, đồng thời cảnh tỉnh các bậc phụ huynh dành thời gian quan tâm và hướng dẫn con tự bảo vệ mình.
Thông tin trên các trang tin địa phương cho biết, hai bé trai là Tiểu Long và Tiểu Hàng (9 tuổi) học cùng một lớp đều bị bạn bè tạt nước sôi, một số bộ phận trên cơ thể bỏng nặng dẫn tới nhiễm trùng nghiêm trọng.
Điều đáng nói là cả hai đều tỏ ra sợ hãi, run lên bần bật khi được người lớn hỏi về những vết thương trên cơ thể. Thậm chí, các em một mực nói rằng do mình bất cẩn hoặc bạn vô ý xô ngã vào ấm nước nóng dẫn tới bị thương.
Với trường hợp của Tiểu Hàng, khi trao đổi với cô Dương Bình – cô giáo chủ nhiệm lớp đã nhanh chóng điều tra được sự thật hoàn toàn không như lời em nói. Chiều hôm 28/11, một học sinh cùng lớp có tên Tiểu Lan cùng nhóm bạn 4 người tham gia đánh bạn và dùng nước sôi để “xử lý”.
“Một em giữ người Tiểu Hàng, một em dùng gối kẹp chặt đầu bạn, hai em có nhiệm vụ giữ tay chân, em còn lại tạt nước sôi vào người bạn. Bản thân tôi đã đứng lớp 22 năm nhưng chưa từng gặp một vụ bạo lực học đường nào nghiêm trọng đến thế”, cô Dương chia sẻ.
Sự việc đau lòng xảy ra khiến tâm lý các bé đều bất ổn, Tiểu Long không còn hoạt bát như trước, tính tình có chút khác thường, bé hay mất ngủ và dậy rất sớm. Em từng nói với mẹ “Con không muốn đến trường nữa, con sợ mấy người đó đánh con”.
Với Tiểu Hàng, vết thương khá nặng sau khi điều trị tại bệnh viện, sức khỏe dần hồi phục bé được cho về nhà theo dõi. Tuy nhiên, suốt thời gian này bé luôn bám mẹ không rời, mỗi lần nhắc đến chuyện cũ bé phản ứng dữ dội và khóc lớn.
Vì sao trẻ không dám nói sự thật khi bị bạo hành ở trường lớp?
1. Trẻ sợ cha mẹ tức giận
Một số phụ huynh khi nghe con thẳng thắn nói về việc mình bị bạo hành ở trường đã nổi giận, có những lời lẽ hoặc hành động quá khích khiến trẻ sợ hãi. Tâm lý luôn lo lắng rằng mình nói ra như thế có đúng không? Bạn có đánh mình không?...
Một thời gian dài sẽ khiến trẻ khó kiểm soát cảm xúc, thu mình và không dám nói cho mẹ biết việc xảy ra ở trường.
2. Trẻ cho rằng mình có lỗi
Một vài phụ huynh ngay khi nghe con nói về việc bị đánh ở trường đã vội cho rằng con có lỗi đáng bị phạt như vậy, hoặc con đánh bạn nên bạn mới đánh lại. Điều này sẽ gây tổn hại tới tâm lý của bé, chúng sẽ luôn suy nghĩ mình phải chịu hình phạt là điều đương nhiên.
3. Giáo viên ngăn cấm nói sự thật
Những trẻ bị bạo hành ở trường mầm non thường có xu hướng sợ giáo viên, sợ lên tiếng nói ra sự thật sẽ bị cô phạt nặng hơn. Thậm chí nhiều người còn cấm không cho học sinh nói những điều xảy ra ở trường cho cha mẹ hoặc người thân.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên nói chuyện với con nhiều hơn để bé mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên kết hợp với nhà trường để tạo điều kiện cho trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần.
4. Trẻ nhút nhát
Không thể bỏ qua nguyên nhân trẻ nhút nhát khi bị bạo hành sẽ càng hình thành tâm lý sợ hãi chỉ biết im lặng. Thay vì lên tiếng sợ sẽ có những hình phạt nặng hơn, trẻ sẽ giữ kín chuyện và không nói cho ai biết. Kéo dài trong thời gian dài sẽ khiến bé dần khép kín, ảnh hưởng tới tâm lý và sự hoạt bát đúng với lứa tuổi.
5. Trẻ mau quên
Trẻ nhỏ thường vô lo vô nghĩ lại ham chơi nên thường quên những điều xảy ra trước đó. Thay vì gặng hỏi, ép bé trả lời mẹ hãy nhẹ nhàng tâm sự hỏi xem những chuyện diễn ra ở trường lớp của con để tâm lý trẻ thoải mái.
Cha mẹ nên làm gì để hạn chế tình trạng trẻ bị bắt nạt ở trường?
- Dạy trẻ giữ bình tĩnh, không nổi cáu khi bị trêu chọc bắt nạt, dõng dạc yêu cầu các bạn dừng lại. Sau đó, nhanh chóng tránh ra xa để không xảy ra cãi vã, xô xát đánh nhau.
- Nếu bị bắt nạt hãy nói ngay với giáo viên, cha mẹ để có hướng giải quyết đúng đắn.
- Hướng dẫn con chọn bạn mà chơi, phù hợp với cá tính của mình. Khuyến khích con tham gia các trò chơi tập thể, đồng đội tăng tính đoàn kết.
- Cho bé tham gia lớp học võ để tự vệ bản thân song phải biết kiềm chế, không dùng vũ lực giải quyết vấn đề, phản kháng bằng bản lĩnh và sự dũng cảm.