Ngày nắng hanh hao hay mùa mưa rét mướt, dù đường đầy sỏi đá hay sụt lún bùn lầy, ông Mai Ngọc Tuyết (54 tuổi) vẫn cõng con đến lớp để cậu bé theo đuổi ước mơ con chữ.
- Va chạm với xe tải trên cầu Nhật Tân, nam thanh niên tử vong tại chỗ
- Vụ bé gái 4 tuổi bị cô giáo đánh bầm tím ở trường : Công an chính thức vào cuộc xác minh
Trái tim của cha
"Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời..."
Những câu ca ầu ơ đã ru giấc ngủ của Mai Khánh Tân (21 tuổi, Hậu Giang) suốt thời thơ bé. Tuy nhiên, chuyện cổ tích trong cuộc đời cậu lại được viết nên bởi người cha. Suốt thời học sinh, cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3, em Mai Khánh Tân đã đến trường bằng đôi chân của cha.
Thầy cô, bạn bè trong những ngôi trường mà Tân theo học đều nhớ như in hình ảnh người cha khắc khổ, da sạm đen cõng trên lưng cậu học trò áo trắng. Bất kể nắng mưa, đường sá xa xôi, Tân chưa một ngày bỏ học.
Vách tường trong ngôi nhà nơi hai cha con ông Mai Ngọc Tuyết (54 tuổi) sinh sống được "vá" bằng những tấm giấy khen. Suốt 12 năm liền, Tân đều là học sinh khá giỏi.
Hơn 20 năm trước, ông Tuyết hạnh phúc vô ngần trước sự ra đời của đứa con trai bé bỏng. Niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu, năm Tân 5 tuổi, em mắc căn bệnh viêm não Nhật Bản.
Ông Tuyết nhớ lại: "Những cơn sốt hầm hập cứ khiến con miên man trong nhiều ngày liền. Biết con mắc bệnh viêm não, tôi như muốn ngất đi. Tân được chuyển từ Hậu Giang lên TP. Cần Thơ, cuối cùng là Bệnh viện Nhi đồng ở TP.HCM. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, tôi thấy thằng bé có 7 cái máy xung quanh, hơi thở yếu ớt. Lúc đó, tôi chỉ biết nguyện cầu trời Phật cho thằng bé được sống, dẫu có ra sao đi chăng nữa".
Căn bệnh viêm não Nhật Bản đã làm liệt đôi chân và một bên tay trái của Tân. Từ đó, em phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Vài năm sau, mẹ Tân cũng bỏ đi, ông Tuyết sống trong cảnh gà trống nuôi con. Ông làm thợ hồ, đặt bẫy ếch, đánh cá, mần cỏ... rất nhiều công việc để có thể cuộc sống cho hai cha con.
"Chỉ cần con được đến lớp..."
Tân vào lớp 1 trễ hơn các bạn, ông Tuyết bắt đầu hành trình cõng con đi học. Đôi chân ông thoăn thoắt leo lên những dốc cầu thang, sân trường đầy nắng hay dãy hành lang lộng gió. Đưa con đến lớp, thấy cô giáo khép cổng, ông ngồi bên ngoài chờ để đón con về.
Lên cấp 2, ông đặt con trên chiếc xe đạp, lấy dép chắn hai bên để đưa đến trường, sau đó lại cõng con vào bên trong. Cứ như vậy suốt 12 năm ròng rã, ông Tuyết chưa một lời than vãn.
"Cháu đã được thầy cô, bạn bè giúp đỡ rất nhiều. Tôi tin rằng 10 năm trôi qua, họ vẫn luôn nhớ đến cha con tôi trong những ngày khó khăn như thế", ông Tuyết nói.
Rồi cậu bé trên lưng ông cũng lớn dần, trở thành một chàng thanh niên. Qua bao tháng năm dãi dầu, lưng ông khom hơn, những bước chân chậm rãi... Nhưng mặc cho bao khó khăn, ông Tuyết vẫn đặt con trên lưng, để thằng bé được đến trường.
Ông Tuyết chia sẻ: "Tôi biết rằng không thể ở cạnh con cả đời, tôi cũng sẽ già rồi mất đi. Nếu con không được ăn học tới chốn, cho nó một công việc để kiếm sống, khi không còn tôi, ai sẽ lo cho Tân?
Tân là một đứa con ngoan, hiếu thảo. Dẫu mưa nắng, đường sá xa xôi cỡ nào, con cũng không muốn bỏ học. Tân chăm chỉ đến mức chỉ cần mất bài vở trên lớp, con sẽ rất lo lắng. Lúc Tân lớn, cân nặng của nó còn hơn cả tôi. Những khi con học lầu 2, lầu 3 tôi leo không nổi mà đành phải bò. Có cực khổ, có mệt nhọc nhưng chỉ cần con được đến lớp là tôi đã hạnh phúc rồi".
Sau 12 năm đi học bằng đôi chân của cha, giờ đây, Tân đã có thể tự đi bằng nạng và đã trở thành sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang. Dẫu thế, mỗi lần con bước ra đường, ông Mai Ngọc Tuyết vẫn lò dò chạy sau lưng con.
Gần 12h trưa, trời nắng gắt, Tân đi đến đầu đường thì gọi điện thoại cho cha. Ông Tuyết mừng rỡ chạy đón cậu con trai đi học về, dìu con qua những dốc quanh gập ghềnh nhất của con đường, đưa cậu trở vào nhà. Đối với ông Tuyết, cậu con trai là niềm tự hào lớn nhất, là tình thương bao la mà ông đã dành cho.
Cha không được học cao, cha cũng là người rất kiệm lời. Đôi tay cha chai sần, khuôn mặt cha sạm đen vì dãi dầu mưa nắng, nhưng tình thương của cha luôn ngọt lành như mùi lúa thơm nơi cánh đồng mà cha và con đã từng đi qua.