TAND TP Hà Nội tuần qua đưa cựu cán bộ công an Phan Anh Cường (SN 1970, Hà Nội) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Thượng tá công an lĩnh án chung thân vì lừa đảo hơn 24 tỉ đồng
- Truy tìm "siêu bảo vệ" Ga Sài Gòn lừa đảo hàng chục triệu tiền vé tàu cùng nhiều xe máy của hành khách rồi bỏ trốn
Theo cáo buộc, để triển khai dự án khu nhà ở cán bộ chiến sĩ, Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục 3, Phan Anh Cường (khi đó là cán bộ Cục Bảo vệ chính trị 3, Tổng cục an ninh, Bộ Công an) được trưng dụng làm Phó ban quản lý dự án.
Đồng thời, công ty CP Quốc tế, là đơn vị kinh tế nghiệp vụ thuộc Cục Bảo vệ chính trị 3 do Cường làm Phó giám đốc được làm chủ đầu tư dự án.
Dự án này theo kế hoạch ban đầu là khu nhà thấp tầng (68 căn hộ), nhưng căn cứ vào nhu cầu và đề nghị của Cục Bảo vệ chính trị 3, TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu đất xây dựng công trình từ 68 căn hộ lên 91 căn hộ thấp tầng.
Do có sự thay đổi tổ chức Bộ Công an và mở rộng nhu cầu, diện đối tượng tham gia dự án nên Tổng cục An ninh có công văn đề gửi TP cho phép chuyển chủ đầu tư sang công ty CP Quốc tế CT Việt Nam (công ty CTVN) do Phan Anh Cường làm Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc.
Do tin tưởng công ty CTVN là công ty thuộc Bộ Công an nên TP đồng ý với đề nghị của Tổng cục An ninh.
Tuy nhiên, vốn điều lệ vào thời điểm năm 2010 của công ty CTVN có 15 tỷ đồng, không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, nếu chiếu theo Nghị định 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Cáo buộc cho rằng, công ty CTVN là tư nhân do Cường lập ra, không trực thuộc đơn vị nào của Bộ Công an, nhưng trong quá trình tham gia dự án, ông ta vẫn ký nhiều công văn gửi các sở, ban, ngành của Hà Nội với tư cách giám đốc công ty CTVN.
Phần tiêu đề và nội dung các văn bản thể thiện việc công ty CTVN thuộc Tổng cục An ninh hoặc Cục Hậu cần an ninh, Thanh tra Tổng cục An ninh, Bộ Công an, nhằm thuận lợi trong giao dịch.
Biết năng lực tài chính của công ty không đáp ứng được theo quy định của pháp luật, nhưng để lừa dối các khách hàng, lấy tiền chi phí dự án cho công ty của mình, từ cuối năm 2010, bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin không có thật, việc "có suất ngoại giao", "suất của đồng chí Cục trưởng" để khách hàng tin tưởng.
Từ năm 2010-2013, đã có 40 người nộp hơn 22 tỷ đồng cho ông Cường để mua nhà dự án. Khi biết mình không thuộc diện được mua nhà, những người này nhiều lần yêu cầu bị cáo trả lại tiền, nếu không sẽ tố cáo.
Ông Cường đã buộc phải hoàn trả tiền cho khách. Trong số 40 người kể trên, có 8 người gửi đơn đến Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tố cáo hành vi của Cường.
CQĐT xác định, đến nay ông Cường chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của nhiều người. Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 8 năm tù.
Điều còn bỏ ngỏ
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện những sai phạm, có liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên Chánh Thanh tra Tổng cục An ninh 2 - Bộ Công an.
Ngày 22/8/2018, VKSND tối cao quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ các nội dung liên quan đến hành vi vi phạm của ông Bình và những người liên quan.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an nên hiện chưa thu thập được đầy đủ tài liệu liên quan đến quy chế làm việc, việc phân công, phân cấp và ủy quyền của lãnh đạo Tổng cục An ninh 2 với các đơn vị trực thuộc...
Cơ quan ANĐT Bộ Công an tách ra, tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý sau.