Bộ Y tế nhận định sau Tết khả năng biến thể mới sẽ xuất hiện, thành phố cần chủ động lên phương án phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đặc biệt chú ý các công tác ở sân bay.
- Cách phân biệt khi bạn nhiễm biến thể XBB, XBB.1.5, BA.5: Chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể XBB.1.5 gây ra triệu chứng nặng hơn
- Đau bụng từng cơn dữ dội: Bé gái 3 tuổi mắc phải bệnh lý xoắn dạ dày rất hiếm
Theo VietNamPlus, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Tuy nhiên, sau Tết khả năng biến thể mới sẽ xuất hiện, thành phố cần chủ động lên phương án phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Đại diện Đoàn công tác của Bộ Y tế nhìn nhận, nguy cơ xâm nhập các biến thể mới vào cộng đồng vẫn rất lớn.
Tổ chức Y tế thế giới vẫn xem COVID-19 là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong đó đáng lo nhất là các biến chủng mới có thể kháng vaccine, kháng điều trị. Thành phố cần có khuyến cáo mạnh mẽ ở những điểm du lịch, chùa để người dân đeo khẩu trang phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Sở Y tế Thành phố cần có phương án chủ động phòng ngừa bằng cách tuyên truyền người dân tiêm phòng vaccine.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại diện Đoàn công tác nhận xét, việc thực hiện 2K+ ở sân bay mới chỉ đáp ứng được 1K là khẩu trang, khâu khử khuẩn vẫn còn thiếu.
Cụ thể, các quầy khách đến làm việc như: quầy nối chuyến, quầy bán sim, thị thực tại chỗ… đều không có nước khử khuẩn. Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần làm việc với Bộ phận kiểm dịch ở sân bay để bổ sung.
Nhân viên kiểm dịch và nhân viên kiểm soát tại cửa khẩu quốc tế là những người tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất. Thực tế kiểm tra vẫn có người chưa tiêm nhắc mũi 2 (mũi 4) vaccine phòng COVID-19.
Phía trên là kết luận của đại diện Đoàn công tác của Bộ Y tế tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố ngày 31/1. Đoàn giám sát của Bộ Y tế đã kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 tại một số địa điểm ở TP HCM, gồm: sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Y tế quận 3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Cũng theo Báo Người Lao Động, trong buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nuôi cấy virus SAR-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Một trong những lý do được lãnh đạo Sở Y tế đưa ra là bởi virus SAR-CoV-2 đã có trong cộng đồng. "Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xây dựng một phòng an toàn sinh học cấp 3, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế. Hằng năm, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đều kiểm tra và xác nhận tính an toàn vận hành của phòng này. Tại phòng an toàn sinh học cấp 3, một số loại virus đã được nuôi cấy như virus cúm, vi trùng lao đa kháng..." - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Giải thích thêm, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho hay khi nuôi cấy virus SAR-CoV-2, việc đánh giá miễn dịch sẽ tốt hơn. Thời gian qua, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng tại TP HCM chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể và sử dụng một số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa. Phản ứng trung hòa là phản ứng chính xác nhất để đánh giá kháng thể bảo vệ nhưng để thực hiện, phải có virus sống trộn với huyết thanh.