Hai dòng biến thể chủ đạo hiện nay là BA.5 và XBB (bao gồm cả XBB.1.5) sẽ được phân biệt nhờ một phương pháp xét nghiệm nhanh chóng và thuận tiện.
- Tình hình dịch COVID-19: Ca mắc mới có dấu hiệu tăng mạnh, tiếp tục duy trì mức cảnh báo cao nhất
- Hàng nghìn người khám da liễu và bệnh tình dục sau Tết
Theo Sức khỏe và đời sống, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), cơ quan hàng đầu trong phòng chống dịch COVID-19 cho hay, có thể thống kê số liệu ca mắc các biến thể chủ đạo như Omicron BA.5 hay các dòng phụ XBB (trong đó có XBB.1.5) nhờ một phương pháp nhanh chóng và thuận tiện.
CDC cho biết thay vì giải trình tự gene virus đối với từng kết quả xét nghiệm dương tính, các nhà nghiên cứu sẽ dùng một biện pháp đơn giản khác nhằm phân biệt hai biến thể BA.5 và các dòng phụ XBB. Theo đó, nếu chỉ dấu xét nghiệm S-gene thất bại nghĩa là bạn đã nhiễm biến thể BA.5. Còn nếu những ai dương tính với xét nghiệm S-gene nghĩa là bạn đã nhiễm biến thể phụ XBB hoặc XBB.1.5.
XBB.1.5 là một dòng phụ của XBB, biến thể tái tổ hợp hai dòng phụ của BA.2.Hiện nay, XBB.1.5 là biến thể dễ lây truyền nhất. WHO khuyến nghị các quốc gia thành viên ưu tiên nghiên cứu liên quan tới lợi thế tăng trưởng của virus, khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch và mức độ gây bệnh của XBB.1.5.
Triệu chứng của biến thể XBB.1.5 cũng tương tự như các biến thể Omicron trước đó gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi và sốt.
Hiện nay, WHO cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy biến thể XBB.1.5 gây ra triệu chứng COVID-19 nặng hơn so với các biến thể trước đó của Omicron. XBB.1.5 hiện đang ngày càng có nguy cơ trở thành biến thể chủ đạo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức đánh giá nguy cơ rủi ro của XBB.1.5 từ thấp (vào ngày 11/1/2023) lên trung bình (vào ngày 25/1/2023), chỉ sau hơn 10 ngày.
Cũng theo Báo Điện tử Chính Phủ trước đó, từ tháng 10/2022, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỉ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra.
Ở nước ta, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TPHCM. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, tỉ lệ mắc và tử vong do dịch COVID-19 giảm mạnh; bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thuộc nhóm các quốc gia có tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Tính đến hết ngày 4/1/2023, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được trên 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19 an toàn cho người dân từ 5 tuổi trở lên.
Bà Dr.Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Bất cứ nơi nào có dịch COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm.
Bà Dr.Angela Pratt cũng cho biết, mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể này-tức là khả năng vượt qua "lá chắn" bảo vệ do các loại vaccine phòng COVID-19 hiện có cung cấp, tuy nhiên cho đến nay, không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra. Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực-bao gồm cả các vaccine phòng COVID-19 được WHO phê chuẩn.
WHO khuyến nghị người dân nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như chúng ta đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung. Đó là đeo khẩu trang ở nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.