Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp, tại Hà Nội đã có 2 trường hợp tử vong chỉ sau vài ngày có dấu hiệu mắc bệnh.
- Bé sơ sinh 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần chú ý những gì?
- Hy hữu: Trẻ vừa chào đời được 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ca tử vong đầu tiên vì sốt xuất huyết năm 2023 là bệnh nhân nam, 19 tuổi, địa chỉ Hà Cầu, quận Hà Đông. Bệnh nhân có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật, viêm gan C mạn tính.
Ngày 23/8, bệnh nhân xuất hiện sốt 38,5 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, đi khám tại phòng khám tư, được truyền dịch, hạ sốt, điều trị ngoại trú tại đây 3 ngày thì hết sốt.
Tối 26/8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen, vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị, được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
Trong quá trình điều trị tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, ngày hôm sau, bệnh nhân phải chuyển khoa Hồi sức nội. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do sốt xuất huyết, xuất huyết nặng, suy đa tạng, được điều trị tích cực, lọc máu liên tục, rửa dạ dày cấp cứu, thở máy. Tuy nhiên, tình trạng bệnh tiếp tục nặng lên, bệnh nhân tử vong ngày 29/8.
Trường hợp tử vong do sốt xuất huyết thứ 2 là người phụ nữ 45 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nữ bệnh nhân tử vong đêm 30/8.
Ngày 28/8, bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba ở ngày thứ 4 của bệnh. Chiều 29/8, chị được chuyển sang khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Lúc này, bệnh nhân tỉnh, được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5, có dấu hiệu cảnh báo khi có ban xuất huyết dưới da, phù, đau bụng quanh rốn, chướng bụng, có dịch ổ bụng. Lúc này, bệnh nhân vẫn sốt cao gần 39 độ C, tiểu cầu giảm, men gan tăng rất cao.
Bệnh nhân sau đó được chuyển sang khoa Truyền nhiễm, được truyền dịch, thuốc hỗ trợ, điện giải cùng các xét nghiệm cận lâm sàng.
Trong đêm 29/8, bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nhịp thở tăng. Tới sáng 30/8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nặng lên rõ hơn, nôn khan, nôn ra dịch thức ăn, trướng bụng, tiểu ít, bắt đầu có dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa, nhiều nốt bầm tím rải rác xuất huyết toàn thân.
Chiều 30/8, người phụ nữ này có những dấu hiệu khó thở dần lên. Dù được truyền Albumin, cao phân tử, dịch chống nôn nhưng bệnh nhân đáp ứng kém nên phải chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Bộ Y tế cho biết, Hà Nội là một trong số 10 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Đến nay, Thủ đô đã ghi nhận gần 5.200 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 5 lần so với cùng kì năm ngoái.
Trong 3 tuần trở lại đây, số ca mắc có xu hướng tăng rõ rệt. Từ mức 500 ca/tuần đã lên tới gần 1.100 ca mắc mới/tuần. Hơn một nửa số ca mắc có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện, trong đó nhiều bệnh nhân tiểu cầu giảm, nhập viện muộn.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân sốt xuất huyết nhẹ và không triệu chứng có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như sốt cao liên tục kéo dài trên 5 ngày, nôn liên tục, tăng cảm giác đau, có cảm giác đau tức ở vùng gan, vùng hạ sườn phải, xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng, rối loạn kinh nguyệt…), rối loạn ý thức (li bì, người mệt, không ăn uống được)… cần đến ngay bệnh viện.