Mới đây, bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương, Nghệ An đã cung cấp thông tin mới nhất về sức khỏe của các trẻ em nhập viện nghi ngộ độc ngày 9/5.
- Hoại tử ngực sau khi đắp thuốc nam điều trị ung thư vú
- Nâng cấp ‘vòng 1’ bằng hình thức 'trả góp', người phụ nữ gặp biến chứng nặng, suýt hoại tử
Theo bác sĩ Lê Đức Hải, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đô Lương thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Tỉnh Nghệ An, xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử trí khi ghi nhận nhiều ca bệnh nhập viện.
Đến 06 giờ 30 phút ngày 10/5, sức khỏe 57 trẻ đã ổn định, hiện tại đã được xuất viện về nhà.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An, tất cả các trường hợp trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm tại huyện Đô lương đều ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều ngày 9/5.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc trẻ Trường Mầm non xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương phải nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm, Chi cục đã có mặt tại huyện Đô Lương để phối hợp với địa phương tiến hành điều tra nguyên nhân gây ngộ độc.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã tiến hành lấy 05 mẫu (Gồm 01 mẫu sữa chua (mẫu thực phẩm) và 04 mẫu bệnh phẩm) gửi Viện kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.
Cán bộ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An lấy mẫu gửi Viện kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân.
Thông tin từ Báo VietNamPlus đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho biết, các cháu đều bị ngộ độc nhẹ, không có trường hợp nào nguy kịch. Đến sáng 10/5, đa số trẻ sẽ làm thủ tục ra viện về nhà theo dõi sức khỏe.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống đề nghị các huyện, thành thị tăng cường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn; Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn, xóm và đến tận người dân, người lao động về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.
Giám sát các yếu tố nguy cơ ngộ độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.