Tổng cộng có đến 7 ca ngộ độc botulinum tại TP.HCM đều do ăn bánh mì kèm chả lụa.
- Ngày 22/5: Ca COVID-19 mới tăng lên 1.222, có 1 bệnh nhân ở Hà Nội tử vong
- Tự chữa xơ gan ở nhà, bụng bệnh nhân phình to như bầu 4 tháng
Theo thông tin từ Báo Thanh Niên, từ ngày 13.5 tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, có 2 chùm ca bệnh ngộ độc botulinum thuộc 3 gia đình.
Chùm ca bệnh thứ nhất, có 4 người trong một gia đình gồm 3 trẻ em và một người lớn bị ngộ độc do ăn bánh mì kèm chả lụa từ người bán hàng rong ngày 13.5. Trong đó, người lớn ăn với lượng ít nên chỉ có một số triệu chứng ngộ độc như rối loạn tiêu hóa, không diễn tiến yếu liệt chi, hiện tại đã hồi phục hoàn toàn. 3 em nhỏ được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. 3 bé đều được sử dụng thuốc kháng độc tố, giải độc botulinum. Hiện 1 bé đã hồi phục hoàn toàn, 2 bé diễn tiến thở máy.
"Do có 1 em ăn với lượng quá nhiều nên mức độ độc nặng hơn, dù đã được dùng thuốc BAT nhưng vẫn chuyển sang giai đoạn thở máy. May mắn, nhờ có thuốc giải độc, diễn tiến lâm sàng nhẹ nhàng, 3 em đều hồi phục, trong đó 2 em thở máy có cải thiện về sức cơ, hy vọng sẽ hồi phục và cai máy thở trong những ngày tới", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Chùm ca thứ hai, 3 người liệt hoàn toàn, ngày 13.5, 2 bệnh nhân là anh em ruột có ăn bánh mì chả lụa. Sau đó đến ngày 14.5 có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng. Ngày 15.5, 2 người này có triệu chứng nặng hơn, nhìn đôi, đau cơ, nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bệnh nhân thứ 3 là nam 45 tuổi, được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Người này cho biết có ăn một loại mắm để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy bệnh nhân nhiễm độc botulinum nguồn gốc từ thức ăn.
Hiện 3 bệnh nhân đều phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0,5 - 1,5, tức bị liệt hoàn toàn.
Theo thông tin từ Báo VnExpress, hiện Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị trong trường hợp có và không có thuốc giải độc BAT.
Theo bác sĩ, quá trình đô thị hóa, khoa học kỹ thuật phát triển, con người tiếp xúc với nguồn độc nhiều hơn chứ không chỉ có botulinum. Khả năng nhập và phân phối thuốc của một đơn vị y tế sẽ khó hơn số với các trung tâm điều phối theo vùng, miền hay quốc gia để khi cần có thuốc ngay.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.