Là bệnh dịch có khả năng lây lan với tốc độ nhanh, dịch tả lợn Châu Phi trở thành mối lo ngại và nhiều người thắc mắc liệu căn bệnh có lây sang người không?
- Nam sinh liệt mềm tứ chi sau khi vui đùa cùng bạn lúc chơi bóng
- Người phụ nữ bất ngờ tỉnh dậy sau khi được tuyên bố đã qua đời
Theo thông tin từ Báo Tin Tức mới đây, địa phương Ninh Bình đã khẩn trương ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi. Tại địa phương này, dịch tả lợn châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đặc biệt là từ giữa tháng 4 cho đến nay. Các biện pháp phòng chống đang được ngành chức năng và các địa phương tăng cường thực hiện, nhằm ngăn chặn sự lây lan và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, đến nay, Ninh Bình có 48 xã, phường thị trấn của 7 huyện, thành phố có ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy là hơn 3.600 con, trọng lượng trên 150 tấn; trong đó, một số địa phương có số lượng lợn nhiễm bệnh nhiều như huyện Gia Viễn đã tiêu hủy hơn 1.600 con với tổng trọng lượng hơn 73 tấn; huyện Nho Quan là gần 1.500 con với tổng trọng lượng là 47 tấn...
Nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh tái phát tại địa phương là do virus tồn tại trong môi trường tại các ổ dịch cũ, trong khi bệnh chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn chủ quan, lơ là, chuồng trại tạm bợ, không bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Bệnh tả lợn châu Phi có lây sang người không?
Theo HCDC, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.
Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn; tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Theo Medlatec, con đường lây nhiễm bệnh dịch tả lợn thường là qua tiêu hóa và hô hấp. Bệnh có thể lây lan thông qua tiếp xúc (có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp) với những đồ vật có nhiễm virus như: chuồng trại, lợn nhiễm bệnh, đồ dùng, dụng có nhiễm virus, phương tiện vận chuyển, thực phẩm chế biến từ lợn nhiễm bệnh,...
Người là một trong những tác nhân khiến bệnh phát tán, tuy nhiên bệnh không có khả năng lây sang người.
Theo nghiên cứu, bệnh dịch tả lợn Châu Phi không trực tiếp đe dọa đến sức khỏe con người bởi chúng không có khả năng lây lan cho người. Tuy nhiên, do virus gây bệnh có khả năng sinh tồn cao dẫn đến xu hướng lây lan dịch bệnh nhanh và trên phạm vi rộng. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác ở lợn như cúm, tai xanh, thương hàn,...
Trong khi đó, con người nếu ăn phải thịt lợn chưa nấu chín hay tiết canh lợn có nhiễm những bệnh như kể trên sẽ gặp phải các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt là khi người có vết thương hở tiếp xúc với lợn mắc bệnh tai xanh vi khuẩn liên cầu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Từ đó, gây ra những biểu hiện như buồn nôn, đau đầu, sốt cao, xuất huyết vài nơi, nghiêm trọng hơn có thể bị nhiễm độc đường tiêu hóa và viêm màng não.
Biện pháp phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi
Cho đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, một số biện pháp có thể thực hiện giúp phòng tránh dịch tả lợn Châu Phi như:
- Tại các cơ sở chăn nuôi và các điểm bán buôn: thường xuyên vệ sinh, sát trùng phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và giết mổ lợn bằng vôi hoặc hóa chất.
- Đối với những người tham gia chăn nuôi: vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với lợn.
- Lập tức cách ly lợn nghi bị bệnh hoặc lợn bị bệnh.
- Tránh để mầm bệnh phát tán ra bên ngoài bằng cách diệt các sinh vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ruồi,...
- Không mua bán lợn chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ.
- Đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi.
Nắm rõ được các biểu hiện của lợn nhiễm bệnh để có biện pháp cách ly và xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan rộng, không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.