Mới đây các bác sĩ đã cảnh báo căn bệnh viêm phổi do Mycoplasma gia tăng, đặc biệt không triệu chứng và dễ nhầm lẫn với cảm cúm.
- Chữa ung thư theo phương pháp thực dưỡng, người phụ nữ suy kiệt, khiến bác sĩ lắc đầu vì không còn hi vọng
- Nghệ An: Người mẹ thẫn thờ phát hiện con ở tuần thai thứ 12 đã bị dị tật thoát vị ruột- gan, hiếm nhất từ trước đến nay
Thông tin từ Báo Dân Trí cho hay, trường hợp bé gái 7 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng sốt nóng trên 38 độ C, ho có đờm trong 2 ngày, sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà không đỡ.
Kết quả chụp X-quang, CT scanner ngực phát hiện có tổn thương đông đặc thùy trên phổi trái, thùy trên phổi phải có đám đông đặc nhỏ. Xét nghiệm Mycoplasma pneumoniae dương tính.
Trẻ được điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ. Sau 12 ngày điều trị, tình trạng trẻ ổn định, giảm ho và cắt sốt.
BS Nguyễn Thị Duyên, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy thông tin thêm trên báo Dân Trí, những triệu chứng không điển hình này dễ khiến phụ huynh nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên tự ý điều trị cho con tại nhà. Nếu không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách, hiệu quả, tình trạng bệnh của trẻ có thể trở nên nghiêm trọng dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
"Từ đầu tháng 4 đến nay, các trường hợp trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma điều trị tại khoa tăng hơn trước. Triệu chứng biểu hiện rầm rộ là sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm kéo dài 3-4 tuần, có thể kèm theo sổ mũi, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy…".
Bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae lây truyền qua đường hô hấp thông qua giọt bắn, dịch hô hấp có chứa vi khuẩn lây bệnh khi người bệnh hắt hơi, ho. Trẻ em hoặc những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, trong đó có khoảng 11 triệu trẻ nhập viện. Dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, viêm phổi đã giết 2 triệu trẻ em mỗi năm, nhiều hơn con số tử vong do bệnh AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do căn bệnh này. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và do vậy nước ta được xem là 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ em mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới. Hàng năm vẫn có khoảng 4000 trẻ em Việt Nam chết vì viêm phổi.
Do đó, việc nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em sẽ giúp bố mẹ “phản ứng nhanh” khi trẻ không may mắc bệnh cũng như bảo vệ con một cách tốt nhất.
Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, dấu hiệu nhận biết trẻ em đang mắc bệnh thể hiện như sau:
- Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Sốt cao trên 39 độ;
Mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục;
Tình trạng khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp và cố gắng lấy nhiều oxy hơn để thở;
Ho khan vào thời gian đầu và sau đó ho có đờm, đờm trắng rồi chuyển xanh hoặc vàng;
Môi và da xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không đủ oxy;
Tức ngực hoặc đau bụng;
Nôn trớ hoặc tiêu chảy;
Bỏ bú hoặc bú ít;
- Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ
Thở rất nhanh;
Thở rít hoặc thở khò khè, thở khó khăn;
Sốt;
Ho;
Nghẹt mũi;
Ớn lạnh;
Nôn ói;
Đau tức ngực;
Đau bụng, tiêu chảy;
Mệt mỏi, ít vận động;
Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon;
Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ em bị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cả khi chụp X-quang. Bố mẹ có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu này ngay tại nhà:
Trẻ dưới 2 tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, thở nhanh khi 40 lần/phút trở lên.