6 địa danh trên thế giới vẫn 'cấm cửa' phụ nữ dù đang ở thời hiện tại

Thế giới 12/12/2021 20:13

Trong khi thế giới đang dần trở thành nơi mà mọi người có thể tự do sinh sống, thì vẫn còn có những địa điểm mà một nửa dân số thế giới bị cấm cửa bước vào.

Khi mà cả nhân loại đang ngày càng phát triển và tiến tới một thế giới bình đẳng hơn cho tất cả mọi người ở mọi giới tính, nhiều nơi trên thế giới vẫn "cấm cửa" phụ nữ đặt chân đến. Dưới đây là danh sách những địa điểm mà phái nữ không được phép lui đến.

1. Đền thờ thần chiến tranh Kartikeya, Ấn Độ

phu nu 1
Phụ nữ không được bước vào đền thờ Kartikeya mà chỉ được cầu nguyện ở ngoài cổng

Đền thờ thần chiến tranh Kartikeya ở thị trấn Pehowa, bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ là một công trình kiến trúc lâu đời, được dựng nên từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.

Theo một truyền thuyết cổ xưa, vị thần này sẽ nguyền rủa những người phụ nữ bước vào đền thờ của ông thay vì ban phép cho họ. Do đó, phụ nữ không được bước vào đền thờ mà chỉ được cầu nguyện ở ngoài cổng.

2. Câu lạc bộ đánh golf Burning Tree, Hoa Kỳ

phu nu 2
Câu lạc bộ đánh golf Burning Tree có một chính sách được đánh giá là vô cùng lạc hậu và phân biệt giới tính khi phụ nữ không được phép tham gia với tư cách thành viên

Burning Tree là một câu lạc bộ đánh golf tư nhân dành riêng cho nam giới tọa lạc tại thành phố Bethesda, bang Maryland, Hoa Kỳ. Câu lạc bộ này có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, vận động viên, các đời tổng thống Hoa Kỳ, chức sắc nước ngoài, quan chức hành pháp cấp cao, thành viên Quốc hội và các nhà lãnh đạo quân sự.

Tuy nhiên câu lạc bộ này lại có một chính sách được đánh giá là vô cùng lạc hậu và phân biệt giới tính khi phụ nữ không được phép tham gia vào mà chỉ được phép đến với tư cách khách mời vào các chiều chủ nhật.

3. Núi Athos, Hy Lạp

phu nu 3
Hơn 1000 năm qua, chưa có 1 người phụ nữ nào từng đến núi Athos

Nếu muốn thăm núi Athos, đầu tiên, du khách cần phải nộp bản sao hộ chiếu của mình cho Cục Hành hương núi Athos. Núi Athos - nơi có các nhà thờ Chính thống giáo - chỉ tiếp nhận 100 khách hành hương Chính thống và 10 vị khách nam không chính thống cho mỗi lần viếng thăm.

Tuy là một địa điểm tuyệt đẹp nhưng núi Athos lại tuân theo một quy tắc tôn giáo khá cổ xưa cho đến tận ngày nay là cấm tiệt phụ nữ. Được biết, hơn 1000 năm qua, chưa có 1 người phụ nữ nào đến nơi đây.

4. Đền Sabarimala, Ấn Độ

phu nu 4
Hàng chục triệu người mỗi năm đến hành hương tại đền Sabarimala và hàu hết họ là đàn ông

Đền Sabarimala là một khu phức hợp gồm nhiều đền thờ tọa lạc tại đồi Sabarimala, bên trong Khu bảo tồn Hổ Periyar ở làng Perinad, quận Pathanamthitta, bang Kerela, Ấn Độ. Đây được xem là một trong những địa điểm hành hương lớn nhất trên thế giới với ước tính có từ 40 đến 50 triệu tín đồ đến đây mỗi năm.

Ngôi đền này từng là trung tâm của cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi khi phụ nữ không được phép bước vào. Tất cả phụ nữ từ 10 đến 50 tuổi đều không được vào đền, lý do chủ yếu là vị thần được thờ ở đây là người độc thân.

5. Đảo Okinoshima, Nhật Bản

phu nu 5
Đảo Okinoshima ngăn cấm phụ nữ đến vì niềm tin rằng máu kinh của phụ nữ là không được tinh khiết

Nằm cách bờ biển phía Tây của đảo Kyushu 60km, đảo Okinoshima là một trong những ví dụ điển hình về truyền thống tôn thờ một hòn đảo linh thiêng. Các di tích trên đảo này vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, nhờ đó cung cấp được những hồ sơ cần thiết về cách thực hiện các nghi lễ đã được thay đổi từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.

Tại đảo Okinoshima, ngoài việc cấm ăn các loại động vật 4 chân và ngăn cấm bất cứ ai rời đảo mà không có có sự cho phép của linh mục, nơi đây còn ngăn cấm phụ nữ đến vì niềm tin rằng máu kinh của phụ nữ là không được tinh khiết.

6. Núi Omine, Nhật Bản

phu nu 6
Núi Omine là nơi luyện tập của những yamabushi với di sản 1300 năm liên tục chỉ tiếp nam giới

Omine là một ngọn núi thiên thuộc thành phố Nara, tỉnh Nara, vùng Kinki của Nhật Bản. Trên đỉnh núi này là ngôi đền Omine - trụ sở của giáo phái Shugendo thuộc Phật giáo Nhật Bản và toàn bộ ngọn núi là một phần hành hương cũng như luyện tập của những yamabushi (những ẩn sĩ khổ hạnh trên núi của Nhật Bản).

Núi Omine với di sản 1300 năm liên tục chỉ tiếp nam giới. Lệnh cấm phụ nữ đã được đưa ra bàn luận nhiều lần nhưng không bác bỏ thành công.

Ảnh: Internet

Vẻ đẹp 'ma mị' của chú thằn lằn lưỡi xanh 2 đầu vô cùng quý hiếm

Tuy thằn lằn lưỡi xanh khá phổ biến ở Úc và có thể được tìm thấy ở mọi nơi, nhưng dị tật hai đầu đã khiến chú thằn lằn này trở nên quý hiếm và vô cùng đặc biệt.

TIN MỚI NHẤT