Người ta vẫn cho rằng hôn nhân giết chết tình yêu. Trước hôn nhân, tình yêu đẹp đẽ nên thơ bao nhiêu thì sau đó, hầu hết các mối tình đều được ví von với địa ngục.
Đàn ông dễ ra đi, đàn bà thì cam lòng ở lại
Khi một người đàn ông với một người đàn bà đi đến quyết định chung sống, có nghĩa là họ đã trải qua một thời gian tìm hiểu, yêu đương chín muồi và xác định được người kia chính là một nửa còn lại của đời mình. Tất nhiên, cũng có nhiều người xác định sai. Nhưng người đàn ông lục đục trong hôn nhân, nếu tìm thấy một cô gái khác mà họ yêu thương thật lòng, có thể họ sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân hiện tại. Còn người đàn bà, dù thấy cuộc sống vợ chồng hiện tại chán ngấy lên rồi, họ vẫn lấn cấn không chịu buông tay. Họ vẫn tìm đủ mọi sự biện minh, lý lẽ của lý trí để áp đảo đi trái tim đã vốn quá nhiều tổn thương, mỏi mệt.
Vì sao người đàn bà khi đã đau khổ vì cuộc sống hôn nhân không như ý, họ vẫn không muốn ly hôn?
Tôi có một người bạn, rất thành đạt trong công việc, giữ chức giám đốc điều hành một công ty về tài chính. Nhưng chị lại lấy phải một anh chồng vừa lùn vừa xấu tính. Thậm chí anh còn từng ngoại tình với một cô gái phục vụ ở cửa hàng bán điện thoại. Thế nhưng, chị vẫn không chịu ly hôn dù bên ngoài đầy những anh chàng cao to, có học theo đuổi. Lý lẽ của chị là bởi mẹ chồng quá tốt, bà lại hay đau bệnh, chồng chỉ ham chơi không biết chăm mẹ. Chị có ngày hôm nay cũng là nhờ bà chịu khó chịu khổ chăm con cho chị học hành mà thành tài. Chị nói sẽ sửa chồng dần và... dùng tiếp. Chứ nhất quyết không bỏ. Bỏ rồi biết đâu tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Người đàn bà một khi đã trở thành nạn nhân của một cuộc hôn nhân tồi tệ, hẳn họ phải chịu biết bao nhiêu đau khổ. Cái khổ là muôn mặt, người khổ về thể xác vì bị hành hạ, người khổ vì những đòn roi của tinh thần. Họ sống trong một xã hội mà những giá trị truyền thống nặng nề còn bủa vây như một thứ rào cản khiến con thú bị thương muốn băng mình vào cánh rừng xanh biếc kia cũng không dám, vì sợ lại thêm một lần sa bẫy. Người đàn bà trong hôn nhân màu xám cũng như vậy mà thôi.
Rào cản về mặt làng xóm, xã hội, gia đình, danh dự... như những cánh tay chỉ chực hùa ra kéo họ trở lại ngôi nhà cũ. Ngôi nhà mà đã từ lâu không còn thấy hạnh phúc, tiếng cười.
Làm đàn bà, ai chẳng mong mình có một cuộc đời viên mãn. Nhất là nếu có anh chồng tử tế, có một gia đình chồng yêu thương chiều chuộng, hẳn họ sẽ vì thế mà tự hoàn thiện mình hơn, yêu cuộc đời hơn.
Lỗi tại đàn ông hay tại chính mình
Cái dở của đàn bà nhiều khi không phải do đàn ông mang đến mà lại chính từ họ. Một người đàn bà đang đau khổ, muốn ra đi nhưng nhìn quanh lại thấy những người đàn bà khác đau khổ hơn mình vẫn đang ở lại. Nếu người đàn bà đau khổ này ra đi, có khác gì họ là thứ không biết cam chịu, không biết vượt lên số phận mà chống chịu tiếp như người đàn bà đau khổ nhiều hơn kia đang làm?
Đôi khi, cái “ngu” của đàn bà là đánh đồng cam chịu với nghị lực là một. Họ nghĩ rằng chịu đựng một gã chồng mất nết, chấp nhận một cuộc sống túng thiếu, hờn ghen là một cách để nâng khả năng chịu đựng của bản thân họ. Tại sao phải chịu đựng, trong khi tâm trí và năng lượng của đời mình đâu phải là cái kho vô hạn để ai muốn thử lòng thì thử, muốn rèn mình thì rèn?
Đàn bà hiện đại và hạnh phúc thật sự chỉ khi biết dùng đúng nghị lực và sự chịu đựng cho những điều đáng có. Nếu cứ mải mê chạy theo một gã chồng suốt ngày say xỉn, đánh vợ chửi con, thì thanh xuân còn được bao lâu nữa?
Đời người tưởng dài mà lại ngắn, nó sẽ dài khi bạn hạnh phúc và sẽ ngắn lại nếu hạnh phúc kia bị tước đi và thay vào chỉ là những khổ đau.
Theo thống kê, khi bước vào tuổi bốn mươi trở đi, người phụ nữ sẽ rất khó khăn nếu quyết định hôn nhân bởi quá nhiều lý do: con cái, công việc, tương lai sau đó của họ. Và cứ thế họ cam chịu cho đến già.
Tỉnh táo và mạnh mẽ để đối diện chính mình, đối diện chính cuộc sống đang ở bờ vực là cách sáng suốt để tự cứu chính mình.