Chị nói muốn ly hôn. Không phải chị trông đợi một người đàn ông khác, mà chị nghĩ rằng trả lại tự do cho người không còn yêu mình cũng là một cách yêu thương và tôn trọng bản thân.
- Tâm sự của đàn bà một lần đò: Ly hôn không có nghĩa là phụ nữ bất hạnh
- Tha thứ cho chồng ngoại tình: Lòng anh đã hết bão nhưng tim em thì không
Năm chị 31 tuổi, khi hôn nhân đã đi được quãng đường sáu năm, chị phát hiện anh ngoại tình. Như mọi bà vợ trên đời, chị cũng suýt phát điên bởi đã dành hết tình yêu và sức lực cho chồng con và tổ ấm tưởng không gì xâm phạm được. Nhưng chưa kịp “manh động” với cả chồng lẫn cô nhân tình thì chị kịp tỉnh lại nhờ một câu nói. Khi chị hỏi vì sao anh làm thế, anh đã trả lời rất thật thà rằng: Vì cô ấy thông minh hơn chị, kiêu hãnh hơn chị. Cô ấy thu hút anh vì những câu hỏi thú vị, những bài viết đầy chiều sâu tư tưởng trên facebook về những bộ phim, cuốn sách cô ấy đã xem đã đọc qua.
Anh đã quên mất rằng ngày trước chị tốt nghiệp đại học loại giỏi ở vị trí á khoa, ngày mới yêu nhau anh say mê nghe chị nói hàng giờ không chán. Anh bảo đi bên chị anh còn hãnh diện hơn đi với một cô chân dài xinh đẹp. Thâm tâm chị biết rằng điều quan trọng là cô gái kia đẹp hơn chị, mới hơn chị. Nhưng cũng phải công bằng với anh một chút: Chị có còn sắc bén, thú vị như xưa? Chị nhìn lại chính mình: bận tối mặt với công việc cơ quan, hết giờ làm sấp ngửa chạy về lo lắng cho con, cho chồng.
Làm gì có thời gian để chị cùng anh xem cho hết một bộ phim hay khi con đứa này cần mẹ dạy học, đứa kia ốm sốt. Cũng chẳng mấy khi chị có đủ thời gian đắp chiếc mặt nạ mát lạnh lên mặt để thư giãn như người ta. Chị không dám thuê giúp việc dù điều kiện kinh tế không eo hẹp, bởi chị quá cầu toàn, sợ họ dọn nhà mình không sạch, chăm con mình ẩu, nấu ăn không hợp khẩu vị. Chị sợ đủ thứ, chỉ không sợ mình già đi, xấu đi, nhạt nhẽo đi.
Thế rồi chị không đánh ghen, không dằn hắt tra khảo chồng thêm. Chị “làm cách mạng” một cách âm thầm, bắt đầu bằng việc thuê giúp việc theo giờ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, sơ chế đồ ăn. Chị giao bớt việc dạy con học cho anh mỗi tối mà không còn thấy có lỗi với chồng như trước. Có thời gian, chị đăng ký lớp vẽ tranh, lớp thanh nhạc cho người không chuyên, đăng ký học bơi, rồi đi xem kịch, xem phim một mình.
Chị từng rất đam mê hát hò và vẽ tranh, nhưng chưa bao giờ dám dành thời gian cho những thú vui “xa xỉ” đó một cách đàng hoàng. Giờ chị dừng lại và sống cho mình một chút. Nhưng tất cả những điều ấy, chị làm không phải để chứng tỏ cho anh thấy. Chị chỉ muốn chăm sóc lại tâm hồn mình bằng những đam mê.
Cứ thế, chị nhấn nút “tạm dừng” cho sóng gió. Không phải chị tha thứ hay thỏa hiệp. Chị cho cả hai thời gian để xem có thực sự cần nhau nữa hay không, điều gì cần nói với anh chị đã nói cả.
Ai cũng bảo chị ngu, lẽ ra phải làm ầm lên, đến cơ quan cô kia làm bẽ mặt, đòi mật khẩu điện thoại chồng, quản lý sát sao giờ giấc đi làm… Nhưng chị tự nhủ, hôn nhân bên bờ vực có đáng sợ bằng việc bản thân mình bao lâu nay đã mượn cái danh "hi sinh cho chồng con" để giết chết con người đầy đam mê, đầy sức hút trong mình, biến bản thân mình từ một cá thể độc lập thành một thứ cây leo phải sống nhờ niềm vui của người khác mà chẳng còn chút gì riêng biệt?
Chị mang tranh mình vẽ về nhà, cất vào một góc riêng để tự ngắm nhìn thành quả và lòng phấp phới vui. Cuối tuần, chị mạnh dạn gửi con rồi đi hát hò với bạn bè, những cuộc hẹn mà chị đã lần lữa ngày này sang tháng khác. Chị không còn từ chối mọi cuộc liên hoan ở cơ quan với lý do không ai trông con, và tự mình đưa hai con đi chơi đây đó chẳng cần chờ chồng thu xếp lịch làm việc dày đặc của anh nữa. Càng sống như thế, chị càng thấy thoải mái.
Rồi một ngày chị nhận ra, điều bất công và mất mát trong cuộc hôn nhân này, là khi chị vẫn còn yêu mà không được người ấy yêu lại nữa. Chỉ vậy thôi, chứ không phải sự tham lam mưu mẹo của người thứ ba hay sự thay lòng đổi dạ của người chồng. Chị thấy mình vẫn đáng được yêu và nâng niu như cuốn sách hay, thay vì biến thành chiếc áo cũ người ta không buồn mặc.
Không phải chị trông đợi một người đàn ông khác, mà chị nghĩ rằng trả lại tự do cho người không còn yêu mình cũng là một cách yêu thương và tôn trọng bản thân. Chị nói muốn ly hôn.
Anh hoảng hốt, bởi anh cứ nghĩ chị đang sống rất tốt và anh cũng đang diễn rất tròn vai. Anh không muốn đảo lộn những thứ đang có. Anh đe dọa sẽ giành nuôi một trong hai đứa vì anh biết chị sợ nhất hai con bị tách nhau ra. Nhưng chị đáp bình thản: “Tùy anh quyết định”. Với thái độ ấy, anh đành buông tay vì biết không còn gì để gây áp lực với chị nữa.
Họ ly hôn và chị được nuôi cả hai con, anh chu cấp phần tiền nuôi đứa lớn, chị lo phần đứa bé. Chị không lục lọi facebook anh hay người tình của anh, thực sự chị không còn quan tâm họ thế nào. Chỉ đơn giản, chị nghĩ đó là những điều đã qua. Chỉ có bản thân chúng ta là cần phải sống, và phải làm sao để sống thật hạnh phúc mỗi ngày – thứ hạnh phúc từ tận bên trong khi chúng ta học được cách yêu và trân trọng bản thân mình ngay cả khi người khác không còn làm điều đó nữa.