Trẻ nhỏ đôi khi vô tình hoặc bị cố ý cho sử dụng những loại thực phẩm có chất gây nghiện. Nguy hại nhất là ma túy tẩm bên trong và thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra.
- Thay đổi chiến dịch tiêm phòng vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam
- Nóng: Ngày 8/5, có 2.055 ca COVID-19 mới, 1 bệnh nhân tại Tây Ninh tử vong
Mới đây, bé trai 5 tuổi tên T. ở Hà Nội bỗng nôn nhiều, co giật, nhanh chóng hôn mê sau khi ăn một loại bánh. Hai người bạn cũng nhập viện. Kết quả kiểm tra cho thấy một loại bánh này chứa loại ma túy mới, còn gọi là "sô-cô-la bay".
Qua khai thác tiền sử, trên nền một trẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột có các triệu chứng thần kinh, tăng trương lực cơ các bác sĩ nghĩ tới khả năng ngộ độc thực phẩm có chứa chất gây nghiện.
Theo gia đình thông tin trên VietNamNet, khi chuẩn bị cho bé ăn trưa, người giúp việc bế bé đi quanh nhà, vô tình thấy có một chiếc bánh giống như bánh chả đóng hình vuông, bánh bị cắn dở còn một nửa nên cho bé ăn.
Sau ăn, trẻ ngủ hơn một tiếng đồng hồ, gia đình phát hiện bé có biểu hiện lơ mơ, mắt nhắm nghiền khó mở, gọi lay không dậy, nên được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu vào cuối giờ chiều.
Trước đó, những đoạn clip và hình ảnh ghi lại cảnh một em bé ở TP.HCM mặc tã bị một người đàn ông trói chân, tác động vào bộ phận nhạy cảm, cho sử dụng chất nghi là ma túy đá với sự chứng kiến của mẹ ruột lan truyền chóng mặt trên khắp các nền tảng mạng xã hội, gây ra phẫn nộ.
Nếu nội dung clip là khách quan, chất mà cháu bé hút là ma túy đá thì đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Cũng theo Báo Nhân Dân, trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trước đó cũng điều trị cho một bệnh nhân nữ Phạm Thị Ch. (56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa. Theo lời kể của gia đình, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 29/11, chị Phạm Thị Ch. có ăn 2 miếng bỏng ngô (do con chị đặt mua trên mạng).
Sau 1 tiếng, chị Ch. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Hiện nay, có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hằng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và nghiện.
Theo Bác sĩ Hùng thông tin trên VietNamNet cho hay với nhóm trẻ nhỏ, hầu hết việc ăn, uống phải thực phẩm có chứa ma túy là do vô tình. Biểu hiện bệnh của nhóm này thường nặng hơn, ngộ độc xảy ra đột ngột, rầm rộ, có rối loạn ý thức từ nhẹ tới nặng như hôn mê sâu, ảo giác, lơ mơ… hoặc có triệu chứng tim mạch tăng nhịp tim, huyết áp.
Đường hô hấp của trẻ cũng có thể bị tác động, biểu hiện gồm: kích thích, thở nhanh, ngừng thở. Một số triệu chứng đường tiêu hóa khác đi kèm như nôn, đi ngoài, đau bụng… Bác sĩ Hùng khuyến cáo nếu thấy những biểu hiện trên, gia đình cần đưa trẻ đi viện ngay.
Nhóm trẻ lớn (tuổi dậy thì) có xu hướng muốn "thử" và thể hiện bản lĩnh, khẳng định bản thân, dễ bị kích động, dụ dỗ. Các triệu chứng ngộ độc không quá rầm rộ, có thể từ thoáng qua tới nặng. Đáng nói, nhóm trẻ ở tuổi này thường che giấu biểu hiện bệnh nếu biểu hiện thoáng qua, để tránh sự phát hiện của gia đình.
Về việc xét nghiệm, theo bác sĩ Hùng tùy từng loại độc chất, loại xét nghiệm, thầy thuốc sẽ lấy mẫu bệnh phẩm khác nhau từ dịch dạ dày, nước tiểu, máu...
Ngoài ra, trẻ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Do sức đề kháng yếu nên trẻ thường là đối tượng dễ bị ngộ độc thức ăn hơn người lớn.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Thu Hà - BS dinh dưỡng - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM) thông tin trên Thanh Niên, cho biết khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh. Sau khi sơ cứu, phải khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện sớm nhất để được xử lý tiếp. Cần mang theo mẫu thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.