Cưới chồng 3 năm không thể mang thai, bác sĩ kết luận do thói quen từ 10 năm trước

Sức khỏe 13/05/2024 16:59

Kết hôn vài năm chưa có tin vui, khi đi khám hiếm muộn người vợ trẻ phát hiện bị buồng trứng đa nang, nguyên nhân từ chính thói quen mà cô thực hiện suốt bao năm nay.

Thu Cúc (30 tuổi, ở Hà Nội) đã lập gia đình 3 năm, nhưng chưa có tin vui. Sốt ruột, mới đây hai vợ chồng đi khám hiếm muộn, kết quả cho thấy, khả năng sinh sản của chồng hoàn toàn bình thường, còn Cúc được chẩn đoán bị buồng trứng đa nang.

Khai thác sâu hơn về thói quen sinh hoạt, bác sĩ cho rằng nguyên nhân dẫn tới buồng trứng đa nang có thể xuất phát từ việc người phụ nữ ăn kiêng quá mức trong một thời gian dài.

Cúc được nhiều người khen ngợi là người phụ nữ khá duyên dáng, có cơ thể cân đối, với chiều cao lý tưởng. Để giữ được vóc dáng thon gọn như vậy, cô ăn kiêng khá khắt khe. Mỗi bữa, cô thường ăn nhiều rau, các loại củ chứa tinh bột, hạn chế ăn cơm. Đặc biệt, cô nói không với các loại chất béo, nguồn protein cũng rất hạn chế.

“Em đã ăn kiêng suốt 10 năm qua”, Cúc chia sẻ và cho biết thêm rằng, hồi còn đi học, cô thừa cân và bị các bạn chê cười nên quyết tâm giảm cân bằng được. Khi đã giảm được cân rồi, Cúc vẫn tiếp tục ăn kiêng để giữ dáng, kể cả khi đã đi làm và lập gia đình.

Trước đó, Cúc cũng có những dấu hiệu cảnh báo như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt nhưng cô chủ quan không đi thăm khám.

Chỉ đến khi lấy chồng, đợi mãi không thấy tin vui, cô mới đi khám và biết chính việc ăn kiêng giữ dáng suốt thời gian dài là nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Cưới chồng 3 năm không thể mang thai, bác sĩ kết luận do thói quen từ 10 năm trước - Ảnh 1
Ảnh minh họa

TS.BS Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị buồng trứng đa nang do thói quen ăn uống thiếu khoa học mà bác sĩ tiếp nhận.

Theo bác sĩ Thành, việc ăn uống kiêng khem quá mức sẽ làm suy giảm chức năng của buồng trứng. Cụ thể, việc ăn ít thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và chất béo có lợi có thể gây ra sự suy giảm chức năng của buồng trứng, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể làm giảm lượng hoóc môn sinh sản trong cơ thể và gây rối loạn kinh nguyệt, làm suy giảm khả năng thụ thai.

“Khi áp dụng một chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt, các chất dinh dưỡng từ khẩu phần ăn vốn ít ỏi này khi vào cơ thể sẽ được ưu tiên cho các chức năng sống thiết yếu nhất, dẫn tới sự thiếu hụt dinh dưỡng nuôi buồng trứng. Khi buồng trứng không được nuôi dưỡng tốt trong thời gian dài sẽ bị đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Vì vậy, các chị em không nên chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài mà bỏ qua sức khỏe cá nhân.

Đặc biệt, các chị em không nên quá kỳ vọng vào một ngoại hình hoàn hảo hoặc đặt tiêu chuẩn như hình ảnh trên mạng xã hội. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào việc giảm cân một cách lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống cân đối và kết hợp với việc vận động, thể thao để có được vẻ đẹp từ bên trong lẫn bên ngoài”, bác sĩ Thành tư vấn.

Cưới chồng 3 năm không thể mang thai, bác sĩ kết luận do thói quen từ 10 năm trước - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Thành, hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết ở phụ nữ khiến cơ thể có quá nhiều hoóc môn sinh dục nam (androgen) khiến trứng không phát triển, buồng trứng có nhiều nang nhỏ và ngăn cản sự rụng trứng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ.

Theo ghi nhận thực tế, có đến 20% phụ nữ trẻ đến khám bị buồng trứng đa nang. Đáng cảnh báo, con số này đang ngày càng gia tăng do thói quen ăn uống, lối sống thiếu khoa học ở những người trẻ.

Vì thế, khi gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, tăng cân mất kiểm soát, có các vấn đề về da như bị mụn trứng cá, tâm trạng thay đổi thất thường, rụng tóc, lông mọc bất thường… thì cần đi khám để được phát hiện sớm, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn điều trị để không ảnh hưởng chức năng sinh sản.

Thiếu vitamin D có thể gây ra vấn đề sinh sản ở đàn ông và phụ nữ như thế nào?

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ở phụ nữ trầm trọng hơn do thiếu vitamin D trong khi đối với nam giới, thiếu vitamin D có liên quan đến việc giảm chất lượng tinh trùng và vô sinh.

TIN MỚI NHẤT