Hiện tượng bụi bao trùm TP.HCM những ngày qua được xác định là do hàng loạt các chất gây ô nhiễm có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt trong các ngày từ 18/9-20/9.
- Không khí Hà Nội, TP.HCM đang ô nhiễm đến mức nào?
- Ô nhiễm không khí có thể gây ung thư và hàng loạt bệnh
Ngày 26/9, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường thuộc Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM đã công bố kết luận xác định nguyên nhân của hiện tượng bụi bao trùm toàn thành phố những ngày qua là do không khí ô nhiễm kết hợp độ ẩm cao, không phải do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng ở Indonesia.
Theo đó, kết quả đo lường chất lượng không khí tại 30 vị trí trong tháng 9 cho thấy hàng loạt các chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM10, PM2.5, CO, SO2… có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt trong các ngày từ 18/9-20/9.
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường thuộc Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM cho biết trong ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần. Đây là loại bụi mịn được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Nguyên nhân gia tăng các chất ô nhiễm là do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng. Cùng với nền nhiệt độ thấp có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù.
Ngoài ra, do trời không có nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan.
Theo AirVisual, những ngày gần đây, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở TP.HCM luôn ở mức trên 100 µg/m3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức ô nhiễm nặng - là mức độ có hại cho sức khỏe của người dân. Do đó, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị các bệnh hô hấp có dấu hiệu gia tăng.
Số liệu từ phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết trong hai tháng gần đây, đơn vị này tiếp nhận khoảng 19.000 trường hợp đến khám bệnh hô hấp, 16.500 trường hợp khám bệnh tiêu hóa.
Bác sĩ Lê Hồng Điểm, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong đó, số bệnh nhân đến khám các bệnh tiêu hóa, hô hấp tăng 10% so với tháng trước.
Theo bác sĩ Ngô Thế Hoàng, Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết gần đây, lượng bệnh nội trú tại khoa tăng cao, nhiều lần rơi vào quá tải, đặc biệt là ngày 22/9, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết những từ cuối tuần trước đến nay, số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh hô hấp gia tăng. “Tại khoa hô hấp đang điều trị hơn 90 bệnh nhi, nhiều bệnh nhi hen suyễn, hơn 25 bé bị viêm tiểu phế quản, 30 bệnh nhi viêm phổi”, bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bụi mịn PM2.5 là loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micro. Người dân có thể cảm nhận được nồng độ bụi mịn tăng lên khi trong không khí có một lớp "sương mù", giảm tầm nhìn. Chỉ số bụi mịn càng cao, nguy cơ nó gây nên cho hệ hô hấp của người dân khi tiếp xúc sẽ càng lớn.
Do đó, bác sĩ Tiến khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài, nhất là vào buổi trưa, chiều. Vào thời gian này, sự hoạt động dày đặc của các phương tiện giao thông cộng cùng với nhiệt độ cao có thể khuấy động bụi, chất độc trong không khí. Điều đó khiến trẻ rất dễ hít phải khói bụi độc hại và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
“Nếu phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi. Người dân nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường không thể lọc được bụi mịn. Chúng chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Vì vậy, để ngăn được bụi PM 2.5, chuyên gia khuyến cáo cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 để sử dụng khi ra đường. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.
Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, người dân cần ăn uống sạch, vệ sinh mũi hàng ngày, nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng trước tình hình không khí ô nhiễm ở TP.HCM như hiện tại.