Khi ô nhiễm không khí ở mức báo động, những nhiều đối tượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh mãn tính...
- Không khí Hà Nội, TP.HCM đang ô nhiễm đến mức nào?
- Hãy chăm sóc và bảo vệ làn da của bạn trước sự ô nhiễm không khí trầm trọng
Những ngày gần đây, không khí ở Hà Nội liên tục được cảnh báo ở mức nguy hại với sức khỏe con người. Theo đó, tại nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên mức 190, gấp 2-4 lần mức tốt và trung bình.
Trong các vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất, loại bụi này chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, với mức độ ô nhiễm không khí như trên, 4 nhóm người gồm: người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và người có sẵn các bệnh lý mãn tính là những người dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhất.
TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất (Cục Quản lý Môi trưởng Y tế, Bộ Y tế) cho biết, trung bình mỗi người cần đến 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày, vì thế chất không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, dù sống trong môi trường ô nhiễm nhưng không phải ai cũng mắc bệnh do phụ thuộc vào hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể, chất độc hại và nồng độ vào cơ thể…
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho rằng, ô nhiễm môi trường đặc biệt là các loại khí bụi ngoài đường đều ảnh hưởng đến con người nhất là hệ hô hấp từ mũi họng hầu, cho đến phổi phế quản... đều chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo bác sĩ Thành, khi con người hít phải các chất độc hại từ bụi trong không khí, sau một thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây ra những bệnh mãn tính về đường hô hấp, như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có thể là yếu tố gây nên bệnh ung thư...
Đối với bụi PM 2.5, bác sĩ Thành cho rằng, những hạt (hạt bụi) có kích thước PM dưới 2,5 micromet thì nó có thể vào sâu bên trong phế quản và phế nang, đó là điều hết sức nguy hiểm.
Đáng nói hơn, những hạt trong không khí có rất nhiều loại khác nhau, có nhiều thành phần hóa học khác nhau, khi vào trong cơ thể thì có hai vấn đề xảy ra. Nếu những hạt này có kích thước trung bình thì nó sẽ bị giữ lại ở niêm mạc, đó còn gọi là lớp thảm nhầy nhung mao.
“Chúng ta có thể hình dung lớp nhầy nhung mao như là một cái thảm, trên bề mặt có những chất nhầy, khi các hạt vào, thảm này có chức năng bắt giữ hạt đó lại và theo nhu động ngược chiều thì nó lại đẩy từ dưới lên trên, qua phản xạ ho thì các hạt này sẽ đẩy ra ngoài và không bị hấp thu vào trong”, bác sĩ Thành phân tích.
Theo bác sĩ Thành, đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người. Điều đó có thể lý giải nhiều người tuy hít phải bụi trong không khí, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh.
Tuy nhiên, điều mà bác sĩ Thành lo ngại nhất đó chính là những hạt có kích thước nhỏ dưới 2,5 micromet thì “cái thảm” trên sẽ không chặn được và sẽ bị lọt vào phế nang. Sau khi lọt vào phế nang sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ lượng nhất định nó sẽ gây nên bệnh cho con người. Đó là lý do vì sao người ta nói hạt bụi PM dưới 2,5 nó nguy hiểm là như vậy.
Khi không khí ô nhiễm, khói bụi, hầu hết người Việt khi ra đường đều có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, những loại khẩu trang này không có tác dụng.
Theo đó, khẩu trang thường chỉ ngăn được bụi thô, không ngăn được bụi PM2.5. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi min này. Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng.
Để cải thiện chất lượng không khí, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, địa phương chứ không riêng ngành tài nguyên môi trường, như liên quan đến đăng kiểm, quản lý khí thải phương tiện thì phải là Bộ Công an, liên quan đến công trình xây dựng thì phải Bộ Xây Dựng, quản lý chất thải phải do địa phương...
Các biện pháp đề phòng khi không khí bị ô nhiễm:
- Khi không khí bị ô nhiễm, người dân đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính thường xuyên theo dõi thường tiết, chất lượng không khí và không nên ra đường khi không có việc cần thiết.
- Với các gia đình, ở trong nhà có thể đóng kín cửa, bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm.
- Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài: Nếu như đi ra ngoài, bạn có thể sử dụng khẩu trang y tế để bảo vệ sức khỏe trước vấn nạn ô nhiễm không khí như hiện nay. Nếu như tình hình ô nhiễm không khí ở báo động cao thì nên chọn những loại khẩu trang, mặt nạ có khả năng lọc bụi để giúp bảo vệ sức khỏe.
- Các gia đình nên tạo các khoảng cây xanh hợp lý để giúp thanh lọc không khí của ngôi nhà.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, bạn cũng nên thay đổi chế độ ăn uống để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt là các loại thực phẩm giàm vitamin.