Đi ô tô để tránh nóng thì cũng nhớ lưu ý những điều sau kẻo rơi vào tình trạng sốc nhiệt điều hoà.
- Nắng nóng đỉnh điểm: Những biện pháp chống sốc nhiệt nhất định phải biết kẻo ngất lịm, đột quỵ bất ngờ
- Một phụ nữ nguy kịch vì bệnh chết người mùa nắng nóng, dấu hiệu chỉ là một cơn đau đầu
Trong những ngày nắng nóng cao điểm như thời gian gần đây, nhiều người lựa chọn đi ô tô hay taxi để tránh cái nắng và nhiệt độ cao khó chịu ngoài trời thay vì "phơi mình" hứng nắng trên xe máy. Tuy nhiên, dù hạn chế được ảnh hưởng từ nắng nhưng chúng ta lại phải đối mặt với một tình trạng rất dễ gặp phải khi bước lên hoặc xuống xe là sốc nhiệt điều hoà.
Sốc nhiệt điều hoà - tình trạng dễ gặp phải khi lên/xuống ô tô
Với tình trạng thời tiết như hiện nay, sốc nhiệt rất dễ gặp phải khi chúng ta thay đổi môi trường từ những nơi nóng đến lạnh hoặc từ lạnh đến nóng. Điển hình như khi đang từ trong nhà bất ngờ đi ra ngoài, từ ngoài trời nắng vào phòng điều hoà, vừa tắm xong đã vào phòng điều hoà ngay... và việc bước lên hay xuống ô tô khi trời nắng to cũng không nằm ngoài nguy cơ này.
Hiện tượng sốc nhiệt dễ gặp phải khi nhiệt độ bên ngoài ở ngưỡng 39 độ C trở lên. Trong khi, chúng ta đang quen với điều hoà mát lạnh, dễ chịu trong xe thì việc bất ngờ xuống xe dễ dẫn đến sốc nhiệt. Những biểu hiện có thể gặp phải bao gồm choáng váng, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, nặng hơn thì chuyển sang sốt cao, da nóng đỏ, xuất hiện ảo giác... Trong trường hợp này, nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời thì có thể gây nguy hiểm cả đến tính mạng.
Làm gì để tránh sốc nhiệt khi lên/xuống ô tô
Trước khi vào xe
- Nếu xe đỗ ở ngoài quá lâu, trước khi vào trong, bạn nên mở cửa xe để khí nóng thoát bớt ra ngoài.
- Trong trường hợp trong xe đã bật điều hoà, khi mới bước vào hãy chỉnh nhiệt độ cao lên rồi sau đó mới giảm từ từ để tránh tình trạng nhiệt độ thay đổi đột ngột.
- Lưu ý lau khô mồ hôi trước khi bước vào xe để tránh cảm lạnh.
Trước khi xuống xe
- Trước khi xuống xe, bạn nên tắt hoặc chỉnh nhiệt độ điều hoà trong xe lên mức cao nhất để cơ thể làm quen dần với nhiệt độ cao.
- Có thể mở hé cửa kính để quen dần với độ nóng bên ngoài.
- Khi bước xuống xe, hãy tìm bóng râm hoặc dùng ô che, tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng.