Đã đến lúc bạn cần hiểu rõ hơn về "người bạn" này của mình!
- Đây chính là những thực phẩm chữa rối loạn kinh nguyệt tại nhà cực hiệu quả, chị em không thể bỏ qua
- Cảnh giác trước bệnh nguy hiểm trước dấu hiệu chuột rút sau khi hết kì kinh
Nếu bạn luôn được "bà dì" ghé thăm đều đặn hàng tháng trong khoảng 28 ngày thì xin chúc mừng, bạn đang thuộc nhóm những người may mắn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Nhưng nếu bạn đang gặp phải chu kỳ kinh nguyệt có vẻ bất thường, chẳng hạn như dài hơn 35 ngày mỗi kỳ, hoặc ngày "dâu" luôn đến với số lượng lớn thì hãy coi chừng. Cùng nghe các chuyên gia phân tích về những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và một số nguy hiểm về sức khỏe ẩn sau đó.
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường được định nghĩa như thế nào?
Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện ở phụ nữ từ tuổi dậy thì cho đến tuổi mãn kinh. Thông thường, bạn cần vài năm đầu tiên để các hormone điều hòa quá trình bong niêm mạc tử cung (là nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt) như progesterone và estrogen tự cân bằng, sau đó chu kỳ của bạn sẽ trở nên bình thường - tức là phải đều đặn về tần suất, thời gian và lượng máu.
Nếu điều này không xảy ra, chu kỳ kinh nguyệt của bạn được coi là bất thường với các biểu hiện như: không dự đoán được thời gian xảy đến, kéo dài bất kỳ từ 2 - 7 ngày, lượng máu xuất hiện không đồng đều, từ nhỏ giọt như mưa xuân cho đến tràn trề như sóng thần.
"Khi bạn có kỳ kinh nguyệt với lượng máu rất nhiều, kéo dài quá 7 ngày, hoặc đến nhiều hơn 1 lần mỗi tháng, bạn cần tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ", theo bác sĩ Virginia Beckett thuộc Đại học Hoàng gia (Anh).
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Tác nhân trực tiếp dẫn đến sự bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt là sự mất ổn định của 2 loại hormone là progesterone và estrogen. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân liên quan đến cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Những nguyên nhân do tuổi tác bao gồm:
- Sự thay đổi ở tuổi dậy thì.
- Giai đoạn mang thai.
- Giai đoạn cho con bú.
- Sự suy giảm khi đến tuổi mãn kinh.
Những tác động từ lối sống có thể là do:
- Sử dụng các biện pháp tránh thai như dùng thuốc hay đặt vòng.
- Thay đổi cân nặng đột ngột do tăng hoặc giảm cân.
- Gặp nhiều stress trong công việc và cuộc sống.
- Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng.
- Tập luyện với cường độ cao.
Một điều may mắn là những nguyên nhân này có thể dễ dàng được khắc phục, khi bạn đã chuyển sang một tuổi mới hay điều chỉnh lại lối sống, kinh nguyệt của bạn sẽ trở nên bình thường. Với các vấn đề liên quan tới tuổi tác, bạn không cần quá lo lắng hoặc phải tìm kiếm phương pháp điều trị. Tuy vậy, bạn nên lưu tâm tới các xáo trộn gây ra bởi việc thay đổi lối sống, và đó là cách cơ thể bạn phản ứng lại với các điều kiện không phù hợp cũng như bạn nên cân nhắc việc từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe của mình.
Trong một vài trường hợp, bạn cũng không nên bỏ qua nghi ngờ rằng mình đang gặp phải một căn bệnh nào đó. Các bệnh nguy hiểm có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt cần chú ý đến như:
- Hội chứng đa nang buồng trứng.
- Viêm xương chậu.
- Ung thư cổ tử cung.
- Một rối loạn về tuyến giáp trạng.
- Tiểu đường.
- Bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Hội chứng rối loạn nhịp giấc ngủ sinh học.
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Theo bác sĩ phụ khoa Joe Aquilina, kể cả khi bạn xác định được mình đang không mắc phải một bệnh lý nào thì cũng không có nghĩa là bạn có thể coi thường những rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt của mình. Nếu kỳ "đèn đỏ" của bạn đến với lượng nhiều và bất thường, bạn có thể đang phải đối diện với nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung. Một nguy cơ khác cũng có thể đang ngấm ngầm xảy ra với sức khỏe của bạn là sự tổn thương và suy yếu ở xương khớp. Khi chu kỳ kinh nguyệt không xảy ra hay xảy ra bất thường, nồng độ estrogen của bạn cũng thay đổi theo, dẫn đến sự suy giảm mật độ xương. Các nghiên cứu đã cho thấy, việc thiếu hụt hormone ở các phụ nữ trẻ không có kinh nguyệt ổn định có thể dẫn đến chứng loãng xương sau này.
Ngoài các nguy cơ trên, một vấn đề lớn liên quan tới rối loạn kinh nguyệt mà bất cứ phụ nữ nào cũng quan tâm, đó là ảnh hưởng tới khả năng mang thai. Trong nhiều trường hợp xuất hiện kinh nguyệt bất thường, đó có thể là rối loạn hormone gây ra sự bong niêm mạc tử cung và chảy máu dù không có sự rụng trứng.
Cần làm gì khi thấy kinh nguyệt bất ổn?
Khi thấy có những dấu hiệu về rối loạn kinh nguyệt, bạn có thể thử thực hiện những việc sau để góp phần cải thiện tình hình như:
- Thực hiện một chế độ ăn cân bằng.
- Điều chỉnh cường độ tập luyện về mức vừa phải.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Cố gắng giảm thiểu stress.
- Thử thay đổi phương pháp tránh thai bạn đang sử dụng.
Bên cạnh đó, đừng quên tìm kiếm sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ để có thể phát hiện sớm nhất những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.