Nhiều người cho rằng nếu nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ lây. Điều này có đúng không và làm thế nào để phòng tránh lây bệnh đau mắt đỏ?
- BS chuyên khoa Mắt: 4 cách trị đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả, khỏi nhanh
- Vi khuẩn HP có trong dạ dày của 70% người Việt: Dấu hiệu và cách phòng tránh ai cũng cần biết
Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?
Theo ThS.BS Nguyễn Hải Yến, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) không thể lây bệnh trực tiếp thông qua việc nhìn vào mắt người bệnh.
Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn có cảm giác như vậy bởi họ nghĩ mình không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mà vẫn lây.
Thực tế, nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ hoàn toàn không phải do nhìn vào mắt người bệnh như lời dân gian đồn thổi.
Bệnh này lây lan qua hơi thở, nước bọt hoặc khi tay người khỏe mạnh có dính virus của người bệnh rồi vô tình chạm vào mắt.
Đau mắt đỏ do virus có thể lây qua nhiều đường, nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp.
Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Và ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Việc đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.
Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.
Ở những nơi công cộng, bao gồm bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc… hoặc những khu vực có mật độ người đông, thường phải tiếp xúc với cự ly gần như bến tàu xe, trên xe bus, chợ… nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc do virus) là rất cao.
Làm thế nào để phòng tránh lây bệnh đau mắt đỏ?
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần thực hiện:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch
Rửa tay thường xuyên là biện pháp quan trọng để ngăn chặn lây truyền các loại bệnh truyền nhiễm, bao gồm bệnh đau mắt đỏ.
2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng
Tránh tiếp xúc tay với mắt, mũi hoặc miệng mà không rửa tay trước. Đây là cách giúp ngăn ngừa việc chất lỏng nhiễm bệnh từ mắt của người bị đau mắt đỏ tiếp xúc với niêm mạc mắt, mũi hoặc miệng của bạn.
3. Không dùng chung vật dụng cá nhân
Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh như: khăn mặt, lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,...
4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày
Sử dụng nước muối sinh lý hoặc các loại thuốc nhỏ mắt và nhỏ mũi thông thường để giữ cho mắt, mũi và họng của bạn sạch sẽ.
5. Sát trùng các đồ dùng và vật dụng cá nhân của người bệnh
Nếu bạn phải chăm sóc người bệnh đau mắt đỏ, hãy đảm bảo rằng bạn sát trùng các đồ dùng và vật dụng cá nhân của họ đề phòng lây bệnh.
6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ
Tránh tiếp xúc gần với người bệnh đau mắt đỏ và hạn chế việc tiếp xúc với họ trong thời gian họ có triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
7. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác
Người bệnh cần thực hiện các biện pháp cách ly và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế để ngăn ngừa lây bệnh cho người khác.
8. Đến cơ sở y tế khi cần thiết
Nếu bạn có các triệu chứng của đau mắt đỏ hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng