Nếu như trước đây điếc đột ngột chủ yếu gặp ở người trung niên, cao tuổi thì vài năm trở lại đây, bệnh này rất phổ biến ở người trẻ, nhất là thanh niên dưới 30 tuổi.
- Những thực phẩm là 'sát thủ' với tim mạch: Bất ngờ vì nhiều món khoái khẩu của người Việt
- Loại rau mọc đầy ở Việt Nam nhưng được WHO ghi vào danh mục cây thuốc, nhiều công dụng đến bất ngờ
Theo trang tin địa phương, một thanh niên tên Tiểu Châu (22 tuổi) tại Giang Tô, Trung Quốc đã phải nhập viện vì mất thính lực đột ngột. Điều đáng nói, tình trạng này thường chỉ xuất hiện ở người trung niên, cao tuổi.
Theo đó, vào một buổi sáng, bệnh nhân vừa thức dậy thì điện thoại đổ chuông. Điều kỳ lạ là tiếng chuông này đột nhiên trở nên rất nhỏ, kèm theo nhiều tạp âm lạ. Dù thử rất nhiều cách như gọi bằng điện thoại khác, bật nhạc to, vệ sinh tai thật sạch nhưng bệnh nhân vẫn không nghe thấy gì.
Tiến sĩ Mã Vĩnh Minh, Trưởng khoa Tai mũi họng và Phẫu thuật Đầu Cổ, Bệnh viện Đại học Y Nam Kinh (Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc) cho biết, tình trạng điếc đột ngột của bệnh nhân là một rối loạn tai mũi họng không hề hiếm gặp nhưng lại bị xem nhẹ, phát hiện muộn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thính giác. Thậm chí có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.
Mất thính lực đột ngột thường xảy ra ở một bên tai, các dấu hiệu thường rõ ràng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Bệnh xảy ra khi có tổn thương tai trong, thần kinh thính giác hoặc trung tâm thính giác ở não.
May mắn là trường hợp của Tiểu Châu chỉ bị mất thính lực tạm thời. Sau khi nhập viện và điều trị 5 ngày, anh đã lấy lại được trên 90% thính lực và được xuất viện tiếp tục điều trị ngoại trú.
Nguyên nhân gây mất thính lực đột ngột
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thậm chí có cả những trường hợp đặc biệt không thể tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mã thì có 5 nhóm nguyên nhân phổ biến bao gồm tình trạng nhiễm trùng (virus, lao, giang mai…), tự miễn (hội chứng Cogan, xơ cứng rải rác…); mắc u thần kinh thính giác, u thân não…; các vấn đề về mạch máu như nhồi máu, xuất huyết, co thắt mạch, phình tách động mạch; gặp các chấn thương nặng; nhiễm độc do thuốc (điều trị ung thư, lao…), chì.
Trong trường hợp của bệnh nhân Tiểu Châu, nguyên nhân gây tình trạng trên là do sử dụng tai nghe quá nhiều với âm lượng quá lớn trong thời gian dài dẫn đến tổn thương tai.
Nam bệnh nhân này cho biết, công việc của anh phải gọi điện thoại rất nhiều mà môi trường xung quanh lại quá ồn ào nên anh buộc phải sử dụng tai nghe. Các cuộc gọi cho khách hàng diễn ra vào cả buổi tối, trong lúc đi xe buýt về nhà nên chiếc tai nghe dần trở thành “vật bất ly thân”.
Điều đáng nói là anh có thói quen nghe nhạc, nghe điện thoại ở mức âm lượng tai nghe rất lớn. Tổng thời gian sử dụng tai nghe, nhất là loại tai nghe nhét tai (in ear) của Tiểu Châu ít nhất là 10 tiếng mỗi ngày, có những ngày thậm chí còn đeo luôn tai nghe đi ngủ.
Một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, gần một nửa số người trên thế giới trong độ tuổi từ 12 - 35, tương đương 1,1 tỷ người có nguy cơ bị suy giảm thính lực, chủ yếu do thường xuyên đeo tai nghe để nghe nhạc âm lượng lớn.
Việc thường xuyên sử dụng tai nghe khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc quá sức. Đồng thời, làm không khí và máu khó lưu thông, dẫn đến tai dễ bị viêm nhiễm, tích tụ nhiều ráy tai. Từ đó gây ra suy giảm thính lực, điếc tạm thời hay thậm chí là bị mất thính lực vĩnh viễn.
Đặc biệt, khi sử dụng tai nghe với mức âm lượng lớn từ tai rất dễ bị tổn thương và suy giảm thính lực. Các nghiên cứu đã chỉ ra tai con người chỉ có thể chịu đựng 2 giờ đồng hồ khi tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 - 90 decibels (dB). Với âm thanh ở ngưỡng 94dB, tai chúng ta có thể chịu đựng được 1 tiếng mỗi ngày. Còn với ngưỡng âm thanh là 105dB, tai con người chỉ có thể chịu đựng được khoảng 4 phút mỗi ngày.
Vì vậy, tốt nhất không nên đeo tai nghe quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Không nên nghe tai nghe ở âm lượng quá lớn, vượt quá 60% tổng mức âm lượng thiết bị và vệ sinh tai nghe thường xuyên.