Loại cây cả lá, hoa đều bổ tim, điều hoà huyết áp cực đỉnh: Việt Nam có nhiều, ít người ăn

Sống khỏe 16/04/2022 17:27

Đây là loại cây được trồng rất nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên chưa nhiều người biết rằng nó là loại thực phẩm cực bổ tim, hỗ trợ điều hoà huyết áp, tăng cường sức khoẻ hệ tiêu hoá...

Atiso có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước. Người ta tin rằng atiso có tác dụng giảm lượng đường trong máu, cải thiện tiêu hoá, bổ tim và tăng cường chức năng gan.

Tại Việt Nam, atiso được trồng nhiều tại khu vực Đà Lạt, thường được người dân lấy lá hoặc hoa để làm thức ăn hoặc làm trà.

Dưới đây là 7 lợi ích hàng đầu của atiso đối với sức khoẻ và những lưu ý khi sử dụng atiso.

1. Atiso rất giàu dinh dưỡng

Loại cây cả lá, hoa đều bổ tim, điều hoà huyết áp cực đỉnh: Việt Nam có nhiều, ít người ăn - Ảnh 1
Atiso được coi là loại rau giàu chất chống oxy hoá nhất. Ảnh minh hoạ.

Theo Trung tâm Dữ liệu Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, atiso có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. 

Một bông atiso (khoảng 128g) có chứa: 13,5g carb; 6,9g chất xơ; 4,2g protein; 0,2g chất béo; 25% lượng vitamin C khuyến nghị trong ngày (RDI); 24% RDI vitamin K; 6% RDI vitamin B1; 5% RDI vitamin B2; 6% RDI vitamin B3; 11% RDI vitamin B6; 22% RDI vitamin B9 (folate); 9% RDI sắt; 19% RDI magiê; 12% RDI phốt pho; 14% RDI kali; 6% RDI canxi; 6% RDI kẽm.

Đặc biệt, hàm lượng vitamin B9 sẽ tăng lên khi bông atiso được nấu chín. 

Atiso ít chất béo, giàu chất xơ và các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hoá. Đặc biệt, 1 bông atiso đã cung cấp được từ 23 - 28% hàm lượng chất xơ khuyến nghị trong ngày.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng atiso là loại rau giàu chất chống oxy hoá nhất. 

2. Atiso bổ tim, kiểm soát mỡ máu

Loại cây cả lá, hoa đều bổ tim, điều hoà huyết áp cực đỉnh: Việt Nam có nhiều, ít người ăn - Ảnh 2
Cách chế biến atiso phổ biến nhất là hấp, luộc, nấu canh. Ảnh minh hoạ.

Nồng độ cholesterol trong máu cao có liên quan tới nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch. Chiết xuất lá atiso được cho là có thể tác động tích cực đến mức cholesterol trong máu.

Một nghiên cứu lớn trên hơn 700 người cho thấy bổ sung chiết xuất lá atiso hàng ngày trong vòng từ 5 - 13 tuần có thể giúp giảm tổng lượng cholesterol có hại (LDL) trong máu.

Một nghiên cứu trên động vật của Khoa Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm, Đại học Bang Iowa (Hoa Kỳ), cho thấy lượng cholesterol LDL đã giảm tới 30% và chất béo trung tính giảm 22% nếu tiêu thụ thường xuyên chiết xuất atiso.

Thêm vào đó, chiết xuất atiso có thể tăng cholesterol có lợi (HDL) ở những người có cholesterol trong máu cao.

Điều này là do atiso có chứa luteolin, một chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn sự hình thành cholesterol.

3. Atiso giúp điều hoà huyết áp, có lợi cho tim

Một nghiên cứu trên 98 nam giới bị huyết áp cao của Khoa Nội và Tim mạch, Đại học Khoa học Y học Isfahan, Iran, cho thấy tiêu thụ chiết xuất atiso hàng ngày trong 12 tuần giúp giảm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu trung bình lần lượt là 2,76 và 2,85 mmHg.

Các nghiên cứu trên ống nghiệm và trên động vật cho thấy chiết xuất atiso thúc đẩy enzym eNOS, một enzym có vai trò trong việc làm giãn các mạch máu.

Ngoài ra, atiso là một nguồn cung cấp kali dồi dào, giúp điều hòa huyết áp, từ đó hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh về tim.

Loại cây cả lá, hoa đều bổ tim, điều hoà huyết áp cực đỉnh: Việt Nam có nhiều, ít người ăn - Ảnh 3
Trà atiso là món được nhiều người ưa thích. Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này đang sử dụng chiết xuất atiso với nồng độ cao. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu khác để tìm hiểu tác dụng của atiso đối với việc điều hoà huyết áp dựa trên những cách sử dụng atiso thông thường.

4. Atiso hỗ trợ cải thiện sức khỏe gan

Chiết xuất lá atiso có thể bảo vệ gan không bị tổn thương và thúc đẩy sự phát triển của các mô mới. Atiso cũng giúp tăng sản xuất dịch mật, từ đó giúp loại bỏ các độc tố có hại khỏi gan. 

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất atiso làm giảm mức độ tổn thương gan; tăng mức độ chống oxy hoá và chức năng gan ở những con chuột được cho sử dụng thuốc quá liều.

Các nghiên cứu trên người cũng cho thấy atiso có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của gan. Ví dụ, một thử nghiệm trên 90 người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy sử dụng 600mg chiết xuất atiso mỗi ngày trong 2 tháng giúp cải thiện chức năng gan.

Trong một nghiên cứu khác ở người lớn béo phì mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy uống chiết xuất atiso hàng ngày trong 2 tháng giúp giảm viêm gan và hạn chế nguy cơ lắng đọng chất béo trong gan nhiều hơn so với những người không sử dụng chiết xuất atiso. 

Các nhà khoa học cho rằng lợi ích này là nhờ một số chất chống oxy hóa có trong atiso là cynarin và silymarin.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định vai trò của chiết xuất atiso trong điều trị bệnh gan.

5. Atiso cải thiện chức năng tiêu hoá

Loại cây cả lá, hoa đều bổ tim, điều hoà huyết áp cực đỉnh: Việt Nam có nhiều, ít người ăn - Ảnh 4
Atiso chế biến được thành nhiều món ăn ngon. Ảnh minh hoạ.

Atiso là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, giúp cho hệ tiêu hoá khoẻ mạnh bằng cách nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó giảm nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư ruột, táo bón. 

Atiso còn chứa inulin, một loại chất xơ giúp giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và ợ chua.

Một chất hoá học khác có trong atiso là cynarin có thể giúp kích thích sản xuất dịch mật, tăng cường hoạt động của nhu động ruột cũng như quá trình tiêu hoá một số chất béo trong cơ thể.

6. Atiso giúp giảm lượng đường trong máu

Các nhà khoa học ở Tunisia cho rằng atiso có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Chiết xuất atiso có thể làm chậm hoạt động của alpha-glucosidase, một loại enzyme phân hủy tinh bột thành đường, từ đó ảnh hưởng tới lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu khác để khẳng định vai trò này của atiso.

7. Atiso có thể hỗ trợ phòng chống ung thư

Loại cây cả lá, hoa đều bổ tim, điều hoà huyết áp cực đỉnh: Việt Nam có nhiều, ít người ăn - Ảnh 5
Hoa atiso. Ảnh minh hoạ.

Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy chiết xuất atiso làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư.

Điều này là nhờ hoạt động của một số chất chống oxy hoá trong atiso bao gồm rutin, quercetin, silymarin và axit gallic. 

Các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm của Khoa Da liễu, Bệnh viện Đại học Cleveland cho biết silymarin có thể hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư da.

Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu nào trên người về tác dụng hỗ trợ phòng chống và điều trị ung thư của atiso trên người. Do đó, việc có thêm các nghiên cứu khác là cần thiết.

Ai không được dùng atiso?

Lá và hoa atiso có thể chế biến theo cách luộc hoặc xào. Hoa atiso có thể nấu thành các món như chiên, nướng hoặc làm trà. 

Atiso thường an toàn khi sử dụng, tuy nhiên, một số người có tiền sử dị ứng với các cây cùng họ atiso như hoa cúc, hoa hướng dương có thể bị dị ứng với atiso. 

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chiết xuất atiso. Những người bị tắc ống mật hoặc đang bị sỏi mật cũng không nên dùng atiso.

TIN MỚI NHẤT