Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, khi bị loài ong tấn công chúng ta thường thắc mắc rằng bị ong đốt phải làm sao để giảm đau và giảm sưng nhanh chóng.
- Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ và cách phòng ngừa
- Giải đáp: Kiến ba khoang đốt cần kiêng gì để cho nhanh lành?
Khi bị ong đốt phải làm sao để giảm tối đa việc vết đốt bị sưng tấy, đau hay gây sốt là câu hỏi được nhiều người đặt ra trước tình huống “không mời mà đến”. Đây được xem là một trong những tai nạn thường gặp. Vì thế, nhiều người thường chủ quan khi gặp trường hợp này, một số khác lại tỏ ra lo lắng không biết vết đốt có bị nhiễm trùng hay không. Trong thực tế, nọc độc của ong khá nguy hiểm, nếu bị đốt ở mức độ nặng mà không được sơ cứu đúng cách, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng.
1. Ong đốt bị sưng phải làm sao để xử lý đúng cách?
Bị ong đốt là một loại tai nạn cần được sơ cứu đúng cách càng nhanh càng tốt. Rất nhiều trường hợp vì không được xử trí kịp thời dẫn tới tình trạng nhiễm độc nặng và phải mất rất nhiều thời gian để điều trị và phục hồi. Nọc độc của loài ong khi tích tụ quá nhiều trong cơ thể cũng sẽ dẫn tới nguy cơ suy đa tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng
Theo các chuyên gia, khi bất ngờ bị ong đốt, nạn nhân dễ nhiễm độc, sốt,… Tuy nhiên, có sốt hay không và mức độ sốt ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loài ong, số lượng nốt đốt, vị trí bị đốt,... Số lượng nốt đốt càng nhiều và ở càng gần các bộ phận như: đầu, cổ, mắt thì mức độ nguy hiểm càng tăng cao.
Đối với các trường hợp bị đốt nhiều, khoảng 5 đến 10 nốt, lúc này cơ thể của nạn nhân sẽ mệt mỏi, khó chịu và bị sưng đau, nóng đỏ ở vết đốt. Các nạn nhân bị đốt ở khu vực đầu, cổ, vai, mặt thường rất nguy hiểm, nên đến bệnh viện thăm khám ngay để tránh các rủi ro.
Ngược lại, đối với những trường hợp chỉ bị đốt 1, 2 nốt cũng không nên quá chủ quan vì nếu đó là loại ong có tính độc cao thì tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng rất đáng lo ngại. Nọc độc ở một số loài ong có thể dẫn đến tình trạng tan máu, rối loạn đông máu, vỡ hồng cầu, tổn thương cơ,… Những trường hợp nặng có thể gây ra suy tim hay suy thận.
Theo các thống kê trên thế giới, một số loài ong đến từ khu vực Châu Phi rất nguy hiểm, chúng đã từng tấn công và khiến nhiều người tử vong. Tại Việt Nam, một số loài ong thường đốt người là: ong vò vẽ, ong vàng, ong bắp cày, ong mật,... Khi bị đốt, nếu xác định được chính xác loài ong và có phương pháp sơ cứu đúng cách, kịp thời thì nạn nhân sẽ tránh được nguy hiểm.
2. Cách làm giảm ngứa khi bị ong đốt
Cần phải có cách nhìn nhận đúng về trường hợp bị các loài ong tấn công. Khi gặp tai nạn, không nên chỉ nghĩ cách giải quyết vết thương cho đỡ đau, đỡ sưng ngay tức thì mà cần phải theo dõi sát sao để hạn chế các nguy cơ rủi ro như nhiễm độc về lâu dài.
Dưới đây là cách xử lý khi rơi vào tình huống bị ong đốt:
+ Cần đưa ngay nạn nhân ra khỏi khu vực có ong ngay lập tức.
+ Nhanh chóng xử lý vòi chích của ong dính lại trên da ra khỏi cơ thể người bị nạn. Bạn có thể dùng nhíp gắp hoặc khiều nhẹ chúng ra. Tuy nhiên, không nên nặn ép nọc ong bằng tay theo phương pháp dân gian vì hành động này có thể khiến nọc độc lan nhanh và rộng hơn.
+ Tiếp đó, nên giúp người bệnh vệ sinh sạch vùng da bị đốt bằng các loại xà phòng diệt khuẩn dịu nhẹ hay nước ấm. Sau đó, thoa dung dịch sát trùng hay cồn 70 độ lên vết đốt.
+ Bạn cũng có thể chườm lạnh lên vết đốt để giúp giảm đau và giảm sưng nhanh chóng.
+ Ngoài ra, người bệnh nên uống thật nhiều nước. Vì khi nạp nhiều nước vào cơ thể sau khi bị ong đốt, nọc độc sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó hạn chế được nguy cơ suy đa tạng.
+ Sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.
3. Khi bị ong đốt mấy ngày hết sưng đau?
Thường thì nếu vị trí bị đốt là từ vùng cổ trở xuống, loại ong không mang nhiều nọc độc và nạn nhân được xử trí vết đốt kịp thời, đúng cách thì chỉ khoảng sau 2 - 3 ngày, vết sưng sẽ giảm còn cảm giác đau sẽ mất đi chỉ sau khoảng 1 - 2 ngày.
Ngược lại, nếu nạn nhân xuất hiện những biểu hiện dưới đây, họ cần phải được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt:
+ Bị ong đốt nhiều nốt ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các bộ phận cơ thể như mặt, đầu, cổ,...
+ Cần xác định được loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc trong tình trạng nạn nhân rơi vào hôn mê. Một số loài ong như ong rừng, ong bắp cày, ong vò vẽ thường có nọc độc rất mạnh và nguy hiểm.
+ Nếu người bị ong đốt có các triệu chứng như đau nhiều, mệt mỏi, phù mặt, thậm chỉ khó thở hoặc đi tiểu ra máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
4. Khi bị ong đốt không nên ăn gì để vết thương mau lành?
Khi bị ong đốt, bạn nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng, dưỡng chất tốt để chống chọi lại phần nọc độc còn sót trong người. Đặc biệt, cần tăng sức đề kháng, bổ sung nhiều vitamin để hạn chế vết thương bị nhiễm trùng. Cần tích cực bổ sung các loại trái cây, rau củ quả, thực phẩm giàu đạm, protein cho cơ thể.
Bạn cũng nên chọn các loại thức ăn lành tính, không nên sử dụng các thực phẩm có thể gây ngứa, dị ứng, làm tăng độ sưng viêm. Khi bị ong đốt, theo các nhà khoa học sẽ không có chế độ ăn uống kiêng cử nhưng nếu bạn muốn vết thương mau lành, giảm sưng và giảm đau nhức hay ngứa sau khi lành thì tốt nhất là nên chọn ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin và dưỡng chất cho cơ thể.
5. Phòng tránh bị ong đốt bằng cách nào?
Để giảm thiểu các rủi ro do bị loài ong đốt, chúng ta nên có những biện pháp chủ động phòng tránh như sau:
+ Không nên đến những khu vực có nhiều ong để tránh khả năng tiếp xúc với ong, đặc biệt nếu nhà có trẻ nhỏ thì cha mẹ nên căn dặn con em của mình không được chọc phá tổ ong.
+ Trong tình huống ong bay đến gần thì không nên xua đuổi, tìm cách tiêu diệt hoặc bỏ chạy mà hãy đứng hoặc ngồi im đừng nên cử động thì chúng sẽ tự bay đi.
+ Nếu bạn muốn đuổi ong đi, tốt nhất nên tránh việc dùng gậy hay que chọc vào tổ ong mà hãy dùng khói hoặc lửa.
+ Tốt nhất không nên để cây cối mọc um tùm xung quanh nhà. Đây là những môi trường thuận lợi mà loài ong thích đến làm tổ. Bạn cũng nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên và phát quang bụi rậm xung quanh nhà.
+ Đối với những trường hợp là ong nuôi lấy mật, bắt buộc phải tiếp xúc với ong thường xuyên thì bạn cần mặc áo quần bảo hộ, không để lộ phần da quá nhiều để hạn chế tối đa nguy cơ bị ong đốt.
+ Nếu đi dã ngoại trong rừng, nên hạn chế mặc quần áo nhiều màu sắc hay quá nổi bật. Đặc biệt, tránh việc dùng nước hoa, mỹ phẩm đậm mùi. Hạn chế đi chân đất, không mặc những bộ đồ quá hở hang. Nên đeo găng tay, đội mũ và mặc những trang phục kín đáo.
Với câu hỏi khi bị ong đốt phải làm sao để vết thương mau lành, hy vọng Phunuvagiadinh đã cung cấp thêm các thông tin hữu ích để bạn có thể xử lý những tình huống nguy hiểm bất ngờ trong cuộc sống hằng ngày.