Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 125 trẻ mắc tay chân miệng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo thêm nhiều ca bệnh, ổ dịch thời gian tới.
- 55 - 65 tuổi là giai đoạn “quyết định” tuổi thọ: Nam hay nữ cũng cần “3 không” đảm bảo sống khỏe, sống lâu
- Không phải sáng hay tối, đây mới là thời điểm tập thể dục để tăng tuổi thọ, kiểm soát đường huyết hiệu quả
Xuất hiện ổ dịch ở trường học
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23/2 đến ngày 1/3), TP ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 19 ca so với tuần trước đó. Trong đó nhiều nhất là tại quận Nam Từ Liêm (12 ca), Hà Đông (5 ca), quận Long Biên và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 3 ca.
Trong tuần, TP cũng ghi nhận 1 ổ dịch tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm với 13 ca mắc.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 125 trẻ mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 147 trường hợp mắc thủy đậu (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023).
Dịch tay chân miệng ở Hà Nội tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của CDC, thời tiết mùa đông - xuân như hiện nay là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà...
Thời gian qua, Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu trong trường học, chủ yếu ở trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Dự báo, thời gian tới Hà Nội có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.
CDC đề nghị, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu..., đặc biệt là tại các trạm y tế, các trường mầm non, tiểu học. Tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, ổ dịch.
Đồng thời, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng, dẫn tới nguy kịch
Theo các chuyên gia y tế, virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.
Những con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng có thể kể đến như: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh; Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện; Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh; Trẻ cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh; Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.
Khi bị bệnh, trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, sốt nhẹ, đau họng, thường xuyên quấy khóc, biểu hiện mệt mỏi và có thể bị tiêu chảy.
Nếu nặng hơn, trẻ bị sốt cao, loét miệng, xuất hiện những nốt phát ban dạng phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông. Nếu trẻ bị sốt cao mà không điều trị kịp thời rất dễ bị biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm não dẫn đến tử vong.
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh (Ảnh minh họa)
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.