50% dân số trên toàn thế giới không có đủ mức vitamin cần thiết này nhưng việc bổ sung nó quá nhiều cũng có thể gây hàng loạt hệ lụy.
- Không phải sáng hay tối, đây mới là thời điểm tập thể dục để tăng tuổi thọ, kiểm soát đường huyết hiệu quả
- Ngủ mấy tiếng mỗi ngày thì sống thọ? Nghiên cứu cho biết "không phải 8 tiếng/ngày", đây mới là thời gian ngủ giúp kéo dài tuổi thọ
Theo tờ New York Post (Hoa Kỳ), doanh nhân đã nghỉ hưu 89 tuổi David Mitchener được đưa đến bệnh viện vào ngày 10/5 năm ngoái, ông bị huyết áp cao do tích tụ canxi trong cơ thể do uống quá nhiều vitamin D. Ông qua đời 10 ngày sau khi nhập viện.
Trợ lý điều tra viên quận Surry Jonathan Stevens đã công bố báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân cái chết của Michener bao gồm suy tim sung huyết, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy thận mãn tính, tăng canxi máu và ngộ độc vitamin D.
Ảnh minh họa
Báo cáo cho biết: "Mitchener đã bổ sung vitamin trong ít nhất 9 tháng qua. Các xét nghiệm cho thấy nồng độ vitamin D trong máu của Michener là 380, đây là mức cao nhất từng được ghi nhận trong phòng thí nghiệm". Các chuyên gia y tế khuyến cáo người trưởng thành chỉ nên duy trì mức 30.
Báo cáo nêu rõ rằng thuốc bổ sung vitamin D mà Michener dùng không có bất kỳ cảnh báo chi tiết nào trên bao bì về những rủi ro cụ thể hoặc tác dụng phụ của việc dùng quá liều. Stevens kêu gọi các cơ quan quản lý cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ hấp thụ quá nhiều vitamin D.
Stevens cho biết: "Có thể có những rủi ro và tác dụng phụ rất nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng quá liều các chất bổ sung vitamin", và hiện tại không có yêu cầu nào về những rủi ro và tác dụng phụ này phải được ghi trên bao bì thực phẩm.
Mức vitamin D an toàn là bao nhiêu?
Pieter Cohen, phó giáo sư y khoa tại Cambridge Health Alliance ở Massachusetts (Hoa Kỳ), nói với Fox News Digital rằng đối với người trưởng thành khỏe mạnh, 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D (15 microgam) mỗi ngày là đủ. Thông thường, nó có thể thu được thông qua thực phẩm và ánh sáng mặt trời.
Theo WebMD, các loại thực phẩm như nước cam, cá hồi vân, cá hồi, nấm, sữa chua, cá ngừ và sữa rất giàu vitamin D.
Cohen khuyến cáo người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 4.000 IU (100 microgram) vitamin D mỗi ngày. Ông cảnh báo: "Dùng quá nhiều vitamin D có thể gây ra nhiều vấn đề vì vitamin D hoạt động như một loại hormone trong cơ thể".
Tiến sĩ Maryann Amirshahi, giáo sư y học cấp cứu tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), cho biết lượng vitamin D cần thiết trong chế độ ăn cũng thay đổi theo độ tuổi.
Cô nói với Fox News Digital: "Một lượng nhỏ (400 IU) được khuyến nghị cho năm đầu đời", và đối với trẻ em trên một tuổi, thanh thiếu niên và hầu hết người lớn, nên dùng 600 IU mỗi ngày. Liều dùng giống nhau đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Đối với người cao tuổi trên 70 tuổi, nên dùng 800 IU mỗi ngày.
NIH cảnh báo: “Lượng vitamin D cực cao có thể gây suy thận, nhịp tim không đều và thậm chí tử vong”
Cô nói thêm: "Nên dùng liều cao hơn cho những người bị thiếu vitamin D và thậm chí cần liều cao hơn cho những người bị thiếu hụt nghiêm trọng".
Amirshahi cảnh báo rằng một sai lầm phổ biến là một số đơn thuốc vitamin D yêu cầu dùng nó mỗi tuần một lần, nhưng mọi người có thể vô tình uống nó hàng ngày, điều này có thể dẫn đến ngộ độc.
"Vai trò chính của vitamin D trong cơ thể là tăng nồng độ canxi. Các dấu hiệu và triệu chứng của người bị ngộ độc vitamin D cũng tương tự như những người có nồng độ canxi tăng cao vì những lý do khác", cô giải thích.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cảnh báo rằng hàm lượng vitamin D cao trong máu (hơn 375 nmol/L hoặc 150 ng/mL) có thể gây buồn nôn, nôn, yếu cơ, lú lẫn, đau đớn, chán ăn, mất nước, đi tiểu nhiều, khát nước và sỏi thận. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận, nhịp tim không đều và thậm chí tử vong.
Vì vậy, dù vitamin D là loại vitamin nhiều người thiếu để có một cơ thể khỏe mạnh nhưng không có nghĩa là bạn bổ sung nó càng nhiều càng tốt...