Bệnh chân tay miệng khi biến chứng có thể gây nguy hiểm cho cả người lớn. Sau đây là những thắc mắc về bệnh chân tay miệng nhiều người đặt ra khi dịch bệnh này đang bùng phát trên cả nước.
- Những dấu hiệu thường gặp cảnh báo ung thư dạ dày ghé thăm nhưng nhiều người lầm tưởng là bệnh vặt, dễ dàng ngó lơ
- Xôn xao thông tin bệnh nhân đau dạ dày tuyệt đối kiêng ăn chuối: Thực hư thế nào mà khiến nhiều người bất ngờ?
1. Bệnh chân tay miệng có lây sang người lớn không?
Người lớn cũng có thể nguy kịch vì những biến chứng của bệnh chân tay miệng.
Mặc dù cơ thể người lớn vốn có sức đề kháng mạnh hơn nên thường ít mắc bệnh tay chân miệng nhưng trường hợp mắc bệnh lại có thể nguy hiểm hơn cả ở trẻ nhỏ do thường xảy ra với những người vốn có hệ miễn dịch yếu.
Một khi virus bệnh chân tay miệng xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây thêm các bệnh lý khác.
Vì sao người lớn cũng có thể mắc chân tay miệng?
Tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường tiêu hóa gây ra. Trong đó, vi rút hay gặp là EV71, coxsackie A16. Bệnh dễ lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với hạt nước bọt của người bệnh bắn ra, dịch tiết mũi - họng, dịch nốt phỏng vỡ ra…
Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh trong tuần đầu tiên sau khi trẻ bị nhiễm bệnh. Nguồn gây bệnh có thể kéo dài vài tuần do vi rút khu trú trong phân. Mỗi năm vào các dịp bùng phát dịch các bệnh viện đều ghi nhận các trường hợp người lớn mắc bệnh.
2. Bệnh chân tay miệng ở bà bầu
Một số người thắc mắc bà bầu có thể mắc bệnh chân tay miệng không, nếu đang mang bầu mà con lớn bị bệnh chân tay miệng thì mẹ có thể chăm con không?
Bà bầu hoàn toàn có khả năng mắc chân tay miệng, đặc biệt là khi trực tiếp chăm sóc trẻ bị bệnh.
“Do bệnh tay – chân – miệng là bệnh do virus gây ra, vì vậy phụ nữ đang mang thai nên hạn chế chăm sóc tiếp xúc để tránh lây bệnh”, TS. BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nói.
Nếu mẹ bầu buộc phải chăm con bị chân tay miệng do không có ai giúp thì cách phòng bệnh hiệu quả là đeo găng tay. Do bệnh này lây qua đường tiêu hóa, vì vậy sau khi chăm sóc trẻ mẹ phải rửa tay sạch với xà phòng sát khuẩn.
Ban đỏ mọng nước có thể xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, miệng... khi bệnh chân tay miệng phát triển - Ảnh minh họa
3. Bệnh chân tay miệng ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh chân tay miệng. Nếu trẻ bị tay chân miệng thì trước hết cần chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu ngay từ đầu đã nhận thấy các dấu hiệu như sốt hơn 2 ngày hoặc trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên, nếu thấy trẻ quấy khóc nhiều, khó chịu thì phải nhanh chóng đưa trẻ nhập viện ngay.
4. Triệu chứng của bệnh chân tay miệng?
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), các triệu chứng thường xuất hiện 3 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus bao gồm: sốt nhẹ, đau họng, chán ăn và bồn chồn.
Sau vài ba ngày phát triển triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện các mụn nước nhỏ. Các mụn nước nhỏ có thể xuất hiện ở trong miệng, bàn tay, cánh tay, bàn chân, đùi, mông. Kích thước mụn nước rất nhỏ hoặc như hạt đậu.
Sau thời gian ủ bệnh thì quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hay bẹn có thể có mụn nước, một số trường hợp chỉ nổi ban nên dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sởi…
5. Biến chứng bệnh chân tay miệng ở người lớn?
Thường thì bệnh tay chân miệng có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên có những triệu chứng có thể là biểu hiện của biến chứng nguy hiểm như: sốt cao trên 39 độ, sốt dài ngày và khó hạ sốt, nôn ói nhiều, li bì, run tay, chân, tay chân yếu sức, khó thở…
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể gây viêm màng não, viêm tim hay viêm phổi, có những trường hợp bệnh chuyển biến nặng mà không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
6. Biến chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ em?
Biến chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu thấy:
- Trẻ giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nẩy người
- Thở mệt, da nổi ban, không sờ thấy mạch hay mạch đập quá nhanh
Trong mùa dịch chân tay miệng nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên để phòng bệnh - Ảnh minh họa
7. Nên phòng bệnh như thế nào?
Khoảng thời gian từ tháng 9 – tháng 11 thường dễ có dịch lây lan. Vì vậy, cần chú ý trong việc giữ vệ sinh phòng bệnh cho cả gia đình:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến và ăn uống, trước và sau khi bế hay vệ sinh cho trẻ
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là đồ chơi trẻ hay chơi, các vị trí như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn...
- Không sử dụng chung vật dụng ăn uống, nên tráng nước sôi trước khi sử dụng, không cho trẻ ăn bốc mút, không mớm thức ăn cho trẻ.
- Trong thời điểm dịch dễ bùng phát, hãy giữ vệ sinh cho cả gia đình
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, nước bọt hay chất thải của người bệnh.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.