Đau âm ỉ suốt 7 năm trời, đi khám phát hiện khối u dưới móng tay

Sống khỏe 29/11/2024 19:18

Qua thăm khám lâm sàng thấy móng tay ngón 1 bàn tay phải của bệnh nhân biến dạng, khía dọc móng (sọc tăng sắc tố dọc móng), bản móng đầu xa có khuyết, nứt.

Bệnh nhân C.H.L (nam, 34 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ vì sưng đau ngón bàn tay phải.

Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân thấy đau nhức đầu ngón 1 bàn tay phải suốt 7 năm nay, đau tăng khi cầm nắm. Vài năm gần đây xuất hiện thêm tổn thương gãy móng, mủn móng.

Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi. Lần gần nhất được chẩn đoán viêm quanh móng, về nhà dùng thuốc không đỡ. Nay bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ khám lại.

Đau âm ỉ suốt 7 năm trời, đi khám phát hiện khối u dưới móng tay - Ảnh 1
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc u cuộn mạch dưới móng.

Qua thăm khám lâm sàng thấy móng tay ngón 1 bàn tay phải của bệnh nhân biến dạng: khía dọc móng (sọc tăng sắc tố dọc móng), bản móng đầu xa có khuyết, nứt; ấn nhẹ vào gốc móng thấy đau nhói.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp ngón tay phải có tiêm tương phản tĩnh mạch cho kết quả, hình ảnh khối u phần mềm, mặt mu đốt xa ngón 1 bàn tay phải, tăng sinh mạch, chưa xâm lấn xương và cấu trúc gân lân cận.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc u cuộn mạch dưới móng, được tư vấn điều trị ngoại khoa loại bỏ khối u.

Theo BSCKI Nguyễn Thu Trang – Chuyên khoa Da liễu - Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ, u cuộn mạch là căn bệnh hiếm gặp, lành tính, chiếm 1-2% các khối u bàn tay.

Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam. Các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm, Xquang rất khó phát hiện các khối u, nhất là các khối u có kích thước nhỏ <2mm hoặc u mới hình thành.

Phương pháp chụp MRI có thể phát hiện được 82% đến 90% u cuộn mạch ở bàn tay, phát hiện những khối u có kích thước nhỏ, hoặc giai đoạn sớm của bệnh.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh là các u màu đỏ hoặc xanh xuất hiện ở dưới móng tay, móng chân hoặc có thể ở vùng mô quanh móng; biến dạng móng. Ba triệu chứng điển hình của u cuộn mạch là: đau kịch phát khu trù, đau dữ dội khi chạm vào vị trí có khối (dù va chạm chỉ rất nhẹ) và nhạy cảm nhiệt độ lạnh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời, chính xác.

Ngược đời, thời tiết lạnh dễ mất ngủ: Nguyên nhân do đâu?

Nhiều người cho rằng thời tiết lạnh rất phù hợp để “ngủ nướng” nhưng một số người lại bị mất ngủ do thời tiết này.

TIN MỚI NHẤT