Mặc dù sốt xuất huyết không lây, song nhiều gia đình 5 người có đến 4 thành viên mắc bệnh nhập viện. Do đó, ngay khi phát hiện nhà có người sốt xuất huyết, cần làm ngay 5 điều sau để bảo vệ những người khỏe mạnh còn lại.
- Phụ nữ mãn kinh ngại “chuyện ấy” nhưng tránh được 3 bệnh nguy hiểm
- Ngâm chân bằng lá lốt cực kỳ tốt với người mắc 4 bệnh này, đặc biệt là người tiểu đường, người bệnh phong tê thấp
Nếu nhà có người sốt xuất huyết thì nên làm những việc sau:
Cách ly người sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người, nhưng truyền qua đường muỗi đốt. Đã có không ít trường hợp bố mẹ sốt xuất huyết, vì chủ quan ngủ không buông màn, mà lây 'oan' cho con nhỏ.
Tốt nhất, người bệnh nên cách ly ở phòng riêng, nằm màn, không cho muỗi đốt đưa virus sang người khỏe mạnh. Điều này cũng giúp người bệnh tránh bị muỗi đốt, truyền thêm số lượng và chủng loại virus khác (có 4 loại virus sốt xuất huyết) làm tình trạng nặng hơn.
Phun thuốc muỗi
Khi nhà có người sốt xuất huyết, cần phải nhanh chóng báo cho trung tâm y tế dự phòng của quận huyện đang ở tới xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi khắp nhà để ngăn bệnh lây lan. Ngoài ra, cần tích cực loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi. Loài côn trùng "đông dân bậc nhất" này có thể đẻ trứng ở những nơi ít ngờ nhất như: đất ẩm ban công, bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, máng xối, hay bất cứ vũng nước mưa nhỏ nào đọng trên sân thượng...
Biết cách dùng thuốc
Nếu nghi ngờ nhà có thêm người sốt xuất huyết, hãy bình tĩnh, vì bệnh có 4 cấp nặng nhẹ khác nhau. Ở cấp 1 (ba ngày đầu), người bệnh sốt cao, chỉ cần chăm sóc tích cực tại nhà và hạ sốt bằng thuốc chứa thành phần paracetamol đơn chất. Tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen, vì chúng có tác dụng phụ ngăn tập kết tiểu cầu, gây toan máu, khiến bệnh trở nên nguy kịch hơn.
Các gia đình nên trữ sẵn thuốc hạ sốt và gói điện giải trong nhà, phòng trường hợp nhà có thêm người sốt cao nửa đêm mà hiệu thuốc không mở cửa. Theo liều quy định, mỗi ngày, người lớn dùng không quá 2.000mg paracetamol (4 viên hạ sốt 500mg). Còn trẻ nhỏ không uống quá 1.000mg/ngày (4 gói hạ sốt 250mg).
Đưa người mắc sốt xuất huyết đi viện nếu có các dấu hiệu nặng
Giai đoạn nguy hiểm bắt đầu từ cấp 2, tính từ ngày thứ tư. Nếu người bệnh vẫn sốt cao; hoặc hết sốt nhưng lại có triệu chứng thoát mạch và cô đặc máu (da khô, bứt rứt vật vã, tiểu ít, vã mồ hôi lạnh, nôn, buồn nôn...); hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu (phát ban da, môi bầm, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đại tiện phân đen...), thì nên nhập viện ngay để bảo toàn tính mạng.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu trước khi cân nhắc truyền dịch hay truyền tiểu cầu cho bệnh nhân. Nếu đợi cấp 3 bắt đầu sốc (thân nhiệt giảm dưới 35 độ C, tụt huyết áp, mê sảng...) và cấp 4 đã sốc nặng mới đi cấp cứu, sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Bồi bổ cơ thể cho cả nhà
Người bệnh cũng cần được bồi bổ tích cực bằng các thực phẩm bổ dưỡng và dễ tiêu như cháo thịt nạc, cơm nát, súp gà, sữa, hoa quả... để tránh suy kiệt. Tích cực bù nước bằng cách uống oresol, nước canh, nước cam... để không bị thoát mạch. Tránh ăn trứng làm tăng thân nhiệt, khiến sốt lâu hạ. Tránh vận động gây xuất huyết nội tạng, chỉ nên nằm nghỉ ngơi.
Ngược lại, những người khỏe mạnh trong nhà chưa bị sốt xuất huyết nên tích cực tập thể thao, ăn uống điều độ nhằm tăng sức đề kháng ngừa bệnh. Nếu không may mắc phải, thể trạng tốt cũng ít nguy cơ biến chứng hơn.