Vui buồn giây phút sinh tử của người làm mẹ

Mẹ bầu 09/03/2023 07:17

Công việc gắn liền với phụ nữ, nam bác sĩ sản khoa đã nhiều lần vỡ òa hạnh phúc khi chứng kiến sản phụ “mẹ tròn con vuông” nhưng cũng không ít lần “lòng đau như cắt” khi thấy nỗi đau, mất mát của họ.

Vui, buồn cùng bệnh nhân

Gần 15 năm thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã không ít lần vui, buồn cùng bệnh nhân.

Với xã hội phát triển, sinh ít con, ai ai cũng lo lắng cho sự ra đời của thành viên mới trong gia đình, vì thế công việc của bác sĩ sản khoa đang được coi là nghề “hot”, nghề dễ “hái” ra tiền, nhưng với trải nghiệm của bác sĩ Thành, khoa sản chính là lằn ranh giữa sự sống và cái chết, hai tính mạng đôi khi chỉ mong manh trong gang tấc.

“Chúng tôi luôn phải đối diện với điều đó. Có những tai biến sản khoa mà đôi khi bác sĩ chỉ muốn trào lệ vì bất lực, đau với nỗi đau và mất mát của sản phụ và gia đình”, nam bác sĩ kể.

Vui buồn giây phút sinh tử của người làm mẹ - Ảnh 1

ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Nhưng đổi lại, hạnh phúc ập đến với các bác sĩ khi được chứng kiến gương mặt người mẹ hiếm muộn rạng ngời hạnh phúc đang tỉ mỉ chăm sóc đứa con đầu lòng được cả gia đình mong đợi bấy lâu, hay một đứa bé đang khóc oe oe bên người mẹ vừa trải qua một ca sinh khó...

“Có những ca đẻ khó, những ca cần sự nỗ lực hết sức của kíp trực với thời gian kéo dài, song trên hết, khi vượt qua tất cả, chúng tôi thấy rất vui vì vừa được chào đón thêm một thiên thần bé nhỏ đến với thế giới này”, bác sĩ Thành vui vẻ chia sẻ.

Kể về trường hợp vừa mới gần đây được anh và các cộng sự của mình cứu chữa thành công, bác sĩ Thành cho hay, cặp vợ chồng cưới nhau được 8 năm nhưng người vợ bị sẩy thai tới 2 lần.

Đến lần mang thai thứ 3, tưởng chừng hành trình tìm con yêu sẽ trọn vẹn hơn nhưng không ngờ lần mang thai này cũng không kém phần sóng gió. Sản phụ mang song thai nhưng đáng nói là 1 bánh rau 2 buống ối.

“Hội chứng truyền máu song thai là một hiện tượng không hề hiếm gặp với mẹ bầu khi mang song thai. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm của một cặp song thai khi cùng trứng nhưng khác túi ối.

Hội chứng này có thể gây ra một số hậu quả vô cùng nghiêm trọng như khiến cho thai nhi tăng trưởng chậm hơn, thậm chí là gây ra tình trạng tử vong cho thai nhi”, bác sĩ Thành giải thích.

Người mẹ sau đó lại bị mắc Covid-19, đến gần cuối thai kỳ lại bị dư ối nhiều, tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu phải ăn kiêng nhiều thứ khiến sản phụ gầy xanh xao.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi đến 36 tuần, sản phụ lại bị tăng huyết áp, protein niệu, nguy cơ tiền sản giật rất nguy hiểm nên các bác sĩ phải mổ cấp cứu.

Rất may mắn, ca cấp cứu thành công, 2 thiên thần chào đời (một bé được 2.3 kg và một bé được 2.5 kg) trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình và bác sĩ.

“Mọi ca sinh nở của sản phụ đều là một ca cấp cứu, bác sĩ lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến của sản phụ trước sinh, trong sinh, sau sinh. Chúng tôi hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Vui buồn giây phút sinh tử của người làm mẹ - Ảnh 2

Bác sĩ Thành và các đồng nghiệp thực hiện một ca đỡ đẻ cho bệnh nhân

Phụ nữ là để yêu thương

Theo bác sĩ Thành, phụ nữ mang thai phải trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau vất vả và rồi đến cuộc đẻ vô cùng đau đớn. Do đó, trong chính tạo hóa phụ nữ đã có sự thiệt thòi, vất vả hơn đàn ông.

Ngoài ra, trong văn hóa Á Đông cũng luôn có sự gò bó, cứng nhắc với chị em. Điều này cũng tạo ra một áp lực vô hình trong cuộc sống.

“Điển hình như ở những cặp vợ chồng hiếm muộn. 50% phụ nữ hiếm muộn phải sống chung với những stress nặng nề, tự ti và mặc cảm. Nếu nguyên nhân hiếm muộn đến từ người vợ, họ có thể chịu sự định kiến lớn từ chính gia đình chồng và xã hội”, vị bác sĩ chia sẻ.

Vậy nên, khi càng chăm sóc phụ nữ, càng đồng hành với họ ở những thời điểm quan trọng, bác sĩ Thành lại càng thấy thương và thấu hiểu cho chị em hơn.

Vui buồn giây phút sinh tử của người làm mẹ - Ảnh 3

Bác sĩ Thành chăm sóc, thăm hỏi bệnh nhân

“Điển hình là phụ nữ khi mang thai. Đây vốn dĩ là một việc rất thiêng liêng và hạnh phúc với người phụ nữ, nhưng chỉ cần một điều nhỏ xảy ra với con, sản phụ có thể sụp đổ hoàn toàn.

Vì vậy, trong quá trình mang thai, chị em cực kỳ căng thẳng. Nó không chỉ một sớm một chiều mà kéo dài 9 tháng 10 ngày. Phải đến khi bế con khỏe mạnh trên tay, chị em mới nhẹ bẫng đi. Còn trước lúc đó, kể cả bác sĩ khám thai có bảo mẹ yên tâm thì trong tâm lý chị em vẫn còn rất nhiều điều lo lắng”, nam bác sĩ tâm sự.

Theo bác sĩ Thành, người phụ nữ - "môt nửa của thế giới" đã phải chịu nhiều thiệt thòi, do đó việc chăm sóc tâm lý, quan tâm, yêu thương và đồng hành cùng chị em là điều cực kỳ quan trọng. Chỉ khi người phụ nữ vui vẻ, cảm thấy hạnh phúc thì người đàn ông mới thấy hạnh phúc, cuộc sống gia đình mới được ấm êm.

Mang bầu uống thuốc tránh thai khẩn cấp có sao không?

Rất nhiều chị em rơi vào tình trạng uống thuốc tránh thai khẩn cấp mà không biết mình đã mang thai.

TIN MỚI NHẤT