Có lẽ bạn đã quá quen thuộc với hình ảnh các doanh nghiệp tổ chức tiệc Tất niên cuối năm. Vậy Tất niên là gì? Bạn có thực sự hiểu rõ về ý nghĩa của tiệc Tất niên chưa?
- Tất niên 2020 cúng gì, cúng vào ngày mấy, giờ nào là đẹp?
- 5 món ăn ngon và ý nghĩa không thể thiếu dịp tất niên cuối năm
Nội dung bài viết
Cuối năm là khoảng thời gian để mọi người tổng kết lại tất cả những thành quả đạt được trong năm. Các doanh nghiệp cũng vậy, để gắn kết nhân viên đồng thời thư giãn sau một năm làm việc vất cả thì công ty thường tổ chức tiệc Tất niên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ ý nghĩa của Tất niên là gì? Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về Tất niên để giúp bạn biết rõ hơn.
Tất niên là gì?
“Tất” có nghĩa là xong, còn “niên” có nghĩa là năm. Như vậy, “Tất niên” có nghĩa là kết thúc một năm cũ và bắt đầu bước sang năm mới. Tiệc Tất niên thường là một buổi tiệc liên hoan của các công ty để tổng kết lại một năm làm việc. Đối với các gia đình, tiệc Tất niên như là một bữa ăn đoàn tụ tất cả các thành viên lại với nhau.
Tiệc Tất niên còn được xem là một nghi thức của Tết, thường diễn ra vào những ngày cuối năm. Được tổ chức vào ngày 29 tháng Chạp hoặc 30 tháng Chạp tùy vào mỗi năm, thường diễn ra vào buổi chiều hoặc buổi tối. Sau khi làm cỗ cúng xong, người ta sẽ dọn tiệc và mời khách đến dự. Tùy vào mỗi vùng mà phong tục tập quán sẽ khác nhau, tiệc Tất niên có thể được gia chủ mời người thân và bạn bè đến dự.
Đối với những bạn học sinh, sinh viên xa nhà thì tiệc Tất niên thường là một bữa tiệc chia tay bạn bè tạm thời để về quê ăn Tết. Còn đối với những người đi làm, thường thì các công ty sẽ tổ chức tiệc Tất niên cho toàn thể nhân viên sau một năm làm việc miệt mài. Tiệc thường sẽ được tổ chức ở các nhà hàng, quán ăn. Đan xen vào đó là phần tổng kết lại một năm làm việc vừa qua và trao những phần quà như một lời cảm ơn đến sự đóng góp của nhân viên trong năm.
Tổ chức tiệc Tất niên cũng là cơ hội cho nhân viên các phòng ban cùng tụ họp lại với nhau để chia sẻ những gì đã làm trong năm qua. Vậy nên, đối với người công sở thì tiệc Tất niên là cơ hội để gặp gỡ và giao lưu với các đồng nghiệp, những người ở phòng ban khác ít gặp mặt nhau.
Tất niên ngày mấy?
Tùy theo tình hình của năm là năm thiếu hay năm cũ mà tiệc Tất niên có thể tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp hoặc 29 tháng Chạp. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi Tất niên được tổ chức vào ngày bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào lịch của năm đó.
Thời điểm này, bàn thờ Phật, gia tiên sẽ được dọn dẹp sạch sẽ và tươm tất. Nhà cửa đã trang hoàng đào, mai, quất...để chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm, đoàn viên. Tất cả mọi người sẽ cùng ăn một bữa cơm Tất niên sum họp, đông đủ các thành viên trong gia đình để chờ đón Xuân sang. Các cụ xưa quan niệm, gia đình càng đông đủ các thế hệ dự bữa cơm Tất niên thì sẽ càng có nhiều phúc lộc và may mắn.
Ý nghĩa của tiệc Tất niên
Tri ân thần linh
Để cúng Tất niên tri ân thần linh, người ta thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên ở trong nhà và một mâm cúng trời, đất ở trước sân. Mâm lễ cúng Tất niên tùy theo điều kiện của mỗi gia đình và phong tục tập quán ở từng vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm. Thế nhưng, một số lễ vật thường phải có khi cúng Tất niên theo phong tục của người Việt Nam gồm: Hương hoa, trầu cau, rượu, trà, vàng mã, đèn nến, bánh chưng…được chuẩn bị trang nghiêm.
Lễ cúng Tất niên là lễ truyền thống của dân tộc ta, lễ vật cúng không cần phải quá cầu kỳ, chỉ cần thể hiện được tấm lòng thành của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh...đã mang đến bình an trong một năm qua. Cúng Tất niên cũng phần nào thể hiện được nét sống tâm linh của người Việt. Sau một năm làm ăn vất vả, vào những ngày cuối năm, hầu hết mọi người đều dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ và tươm tất để cúng Tất niên, cùng nhau chuẩn bị đón Tết.
Tổng kết năm cũ và chào đón năm mới
Nhằm giúp mọi người có cơ hội quây quần bên nhau, người ta thường tổ chức tiệc mừng, văn nghệ, để tổng kết lại một năm đã qua, cùng nhau đón giao thừa và mừng năm mới. Tất cả cùng nhau tận hưởng không khí tràn ngập niềm vui sau một năm tất bật học tập và làm việc.
Gắn kết mọi người
Hãy dành tặng cho đồng nghiệp của mình những cái ôm siết, cái bắt tay và những lời chúc may mắn trong năm mới. Vì tiệc Tất niên luôn có ý nghĩa tích cực trong đời sống của mỗi người Việt Nam ta, nên phần lớn các công ty thường tổ chức tiệc Tất niên vào buổi chiều hay buổi tối cuối năm để ăn mừng. Cùng nhau nhìn lại những dự án thành công, sự phát triển và tăng trưởng của công ty trong năm vừa qua, đồng thời chào đón một năm mới với bao điều tốt đẹp đang đến. Bên cạnh đó, tiệc Tất niên cũng giúp những nhà lãnh đạo và nhân viên gắn bó và hiểu nhau hơn, cùng nhau tạo nên một tổ chức đoàn kết, một sức mạnh tập thể vững chắc.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày Tất niên. Chúc bạn sẽ có được buổi tiệc Tất niên thật vui và ý nghĩa bên gia đình, bạn bè.