Nghệ sĩ Vũ Linh đã để lại không chỉ những tác phẩm tuồng cổ của mình mà còn “truyền lửa” cho các thế hệ sau.
- ‘Ông hoàng cải lương’ Vũ Linh thời vàng son, khán giả xếp hàng xem diễn xuất, tập tuồng thâu đêm suốt sáng
- Tin buồn: Nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời sau thời gian chống chọi bạo bệnh khiến nhiều người xót xa
Nghệ sĩ Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Cố nghệ sĩ mê và theo học hát khá sớm với thầy Văn Vĩ. Sau đó nghệ sĩ theo đoàn Đồng ấu Hoa Thế Hệ, rồi gánh hát Hoa Anh Đào Kim Chưởng. Tên tuổi NS Vũ Linh gắn với nhiều vở diễn như: Xa Phu Đi Sứ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bàng Quý Phi, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Chiêu Quân Cống Hồ, Bức Ngôn Đồ Đại Việt…
Vũ Linh là ngôi sao hàng đầu, được đặt biệt danh là "ông hoàng" sân khấu tuồng cổ hay ‘Cây đại thụ của nghệ thuật tuồng cổ’ trong thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương đầu thập niên 1980-1990.
Ngày 5/3, thông tin nghệ sĩ Vũ Linh qua đời ở tuổi 65 tại nhà riêng, sau thời gian mắc ung thư khiến không chỉ người thân, bạn bè mà nhiều người yêu nghệ thuật trên khắp cả nước thương tiếc.
Ngày nghệ sĩ Vũ linh qua đời, nhiều bạn bè đồng nghiệp bồi hồi ôn lại những kỷ niệm, đặc biệt là những cống hiến không thể thay thế của nghệ sĩ Vũ Linh với nghệ thuật nước nhà.
“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Không chỉ đóng góp to lớn cho nghệ thuật tuồng cổ, nghệ sĩ Vũ Linh còn là thầy dạy, ‘truyền lửa’ cho rất nhiều đàn em, đồng nghiệp. Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết, nghệ sĩ Vũ Linh đau đáu truyền thụ tình yêu hát tuồng cho nhiều thế hệ trẻ. Năm 2010, ông làm loạt chương trình cải lương xã hội hóa, nâng đỡ tên tuổi của nhiều cô đào như Tú Sương, Quế Trân, Bình Tinh, Hồng Phượng, Trinh Trinh...
Đạo diễn Thanh Hiệp nhớ ông có tài thị phạm, luôn dốc sức hướng dẫn từ ánh mắt, điệu bộ, vũ đạo, võ thuật, cách diễn nội tâm, hóa trang. Ông hay nói không muốn tận hưởng "lộc trời" cho không mà muốn đem "lộc nghề" truyền lại thế hệ sau.
Nói về điều này, nghệ sĩ Kim Tử Long cũng chia sẻ với Vietnamnet cho biết, nghệ sĩ Vũ Linh đặt yêu cầu cao nên dễ nổi nóng, thường la rầy khi học trò lơ là, diễn chưa tới. "Anh ấy mắng không phải tỏ vẻ mà thể hiện một thái độ làm nghề nghiêm túc, cầu thị và nhiệt tâm. Được người có nghề như anh chỉ ra những sai sót là một điều may mắn", Kim Tử Long nói.
Thoại Mỹ - một người đàn em trong nghề với nghệ sĩ Vũ Linh cũng chia sẻ với Trí thức trẻ: "Trong nghề, anh Vũ Linh rất nghiêm khắc. Đàn em mặc đồ sai nhân vật, hát chưa đúng, sẽ bị anh la ngay. Khi tập tuồng, thấy chúng tôi hát và diễn chưa được, anh nhảy lên sân khấu hướng dẫn luôn. Anh không giấu nghề. Anh muốn chúng tôi thành công, được khán giả yêu mến. Làm sao chúng tôi tìm được một người anh trong nghề đáng quý như thế".
Chính vì đau đáu với nghệ thuật như vậy nên cuối đời, ông đã từ chối phẫu thuật để giữ giọng hát: "Hai tuần trước, anh phải nhập viện vì đau và khó thở. Căn bệnh ung thư thực quản đã hành anh đau đớn. Anh phát hiện bị bệnh vài năm qua nhưng đã từ chối phẫu thuật. Bác sĩ điều trị cho biết nếu mổ, có thể sẽ ảnh hưởng đến giọng hát của anh. Với người tâm huyết, sống chết với nghề như anh Vũ Linh, giọng hát và khát khao được hát trước khán giả là hạnh phúc lớn nhất. Anh cũng tâm niệm cha mẹ đã cho anh giọng hát, anh sẽ sống chết với nghề vì vậy anh chọn cách điều trị thay vì phẫu thuật" - nghệ sĩ Thoại Mỹ chia sẻ.