Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h00 ngày 11/9 đã ghi nhận 324 người chết, mất tích (179 người chết, 145 người mất tích) do bão số 3 và mưa lũ.
- Đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to
- Bộ VHTTDL: Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ
Dốc sức tìm kiếm người gặp nạn trong vụ sạt lở tại Bảo Yên, Lào Cai
Chiều 11/9, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 30 thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo huyện Bảo Yên đã có mặt tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp.
Quân khu 2 cũng đã cử 300 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn chủ lực tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, tham gia cứu nạn, cứu hộ còn có lực lượng cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Lào Cai.
Lực lượng quân đội cơ động vào các vị trí tìm kiếm. Phạm vi thiệt hại lớn nên phải chia thành nhiều tổ, đội, nhóm tích cực tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng chức năng và người dân vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân dọc bờ suối từ Làng Nủ đến khu vực cửa suối đổ ra sông Chảy.
Tính đến thời điểm này Lào Cai là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về người khi đã ghi nhận 72 người chết, 111 người mất tích.
Cảnh báo lũ quét tại Phú Thọ
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều nơi trong tỉnh. Đặc biệt tại các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, thị xã Phú Thọ.
Trong 24 giờ (từ 15 giờ ngày 10/9 đến 15 giờ ngày 11/9), địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Yên Lương 120.6mm (Thanh Sơn), Phượng Mao 69.0mm (Thanh Thủy), Sơn Vi 51.8mm (Lâm Thao), Xuân Đài 51.4mm (Tân Sơn), Dị Nậu 49mm (Tam Nông), Văn Lang 44.8mm (Hạ Hòa). Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các huyện đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện, phá hủy các công trình dân sinh, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế xã hội.
Phú Thọ cũng cập nhật tin lũ khẩn cấp trên sông Lô, tin lũ trên sông Thao. Theo bản tin lúc 16 giờ ngày 11/9/2024 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, lũ trên sông Lô tiếp tục lên. Hồi 15 giờ ngày 11/9 mực nước trên sông Lô tại trạm Vụ Quang ở mức 21,19m (cao hơn báo động 3 là 0,69m), trạm Việt Trì ở mức 15,00m (cao hơn báo động 2 là 0,10m). Lũ trên sông Thao đang xuống, hồi 15 giờ ngày 11/9 mực nước trên sông Thao tại trạm Phú Thọ ở mức 18,06m (nhỏ hơn báo động 2 là 0,14m).
Trong 12 giờ tới lũ trên sông Lô tại Vụ Quang còn trên báo động 3, tại Việt Trì ở mức trên báo động 2. Lũ trên sông Thao tại Phú Thọ tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 1.
Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Lô tại Vụ Quang dưới báo động 3, tại Việt Trì ở mức dưới báo động 2. Lũ trên sông Thao tại Phú Thọ tiếp tục xuống dưới mức báo động 1.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp độ 2.
Lũ trên các sông suối và lũ do hồ chứa xả lũ có thể gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động của giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các bãi sông, bờ sông và sạt lở đất dọc hai bên bờ sông.
Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang chững lại, nội đô an toàn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật lúc 18h hôm nay (11/9): Mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội có cường suất chảy là 0 cm. Đây là trạng thái đứng của mực nước, dự báo mực nước sẽ giảm dần trong đêm 11/9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, lũ trên sông Hồng có xu hướng tăng, 10 giờ sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã lên 11,02m, thấp hơn báo động 3 0,48m. Tuy nhiên, mực nước thực đo vào lúc 15h, 16h, 17h ngày 11/9 đều đứng yên, thấp hơn mức báo động 3 0,28m.
Ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, đây là đợt lũ hiếm gặp, đến thời điểm hiện tại, tất cả các sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thao, sông Lô nhiều điểm đo đều trên mức báo động 3, điểm đo trên sông Thao còn vượt giá trị lịch sử.
"Do mực nước trên các sông vẫn còn cao nên nguy cơ ngập lụt vẫn còn diễn ra trong vài ngày tới. Điều này rất giống đợt lũ các năm 2006, 2008 gây ngập úng kéo dài", ông Hòa cảnh báo.
Ông Võ Văn Hòa cho biết, Hà Nội sẽ xảy ra ngập úng ở ven các sông chính như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy. "Đáng chú ý, lũ trên các sông nhánh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ đang ở mức báo động 3 nên có nguy cơ ngập úng diện rộng. Các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn,... sẽ chịu ảnh hưởng của các hệ thống sông nhỏ, gây ngập úng cục bộ", ông Võ Văn Hòa nói.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều
Trong Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/94 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Trong đó tập trung: Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành khoa học, phù hợp các hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.