Theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội, có 7 khoản Ban cha mẹ học sinh không được thu để bảo đảm minh bạch, đúng quy định.
- Vụ cháy quán cafe rồi lan sang 3 nhà dân ở Hà Nội: Người gây cháy đã chuẩn bị bình cứu hoả và nước nhưng không kịp dập lửa
- Cần chuẩn bị gì với ngôi nhà để giảm thiểu thiệt hại khi bão Noru đổ bộ?
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội (GD&ĐT) vừa có văn bản 2928/SGDĐT-KHCN hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023. Văn bản hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thu các khoản thu để bảo đảm minh bạch, đúng quy định.
Văn bản quy định chi tiết việc thu học phí và các khoản thu khác bao gồm dạy thêm học thêm; quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu; tiếp nhận nguồn tài trợ. Các khoản thu từ sử dụng tài sản công vào việc cho thuê; kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh; chế độ miễn giảm học phí- chi phí học tập cho học sinh và tổ chức thực hiện.
Học sinh khối lớp 1 bước vào năm học mới 2022 - 2023.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Điều 11 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND.
Các cơ sở giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.
Các cơ sở giáo dục lưu ý, ngoài nội dung các khoản thu tại Điều 3 đến Điều 12 của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND, các cơ sở giáo dục công lập không được thu bất kỳ các khoản thu nào khác.
Đối với khoản thu từ sử dụng tài sản công vào việc cho thuê, liên doanh liên kết khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án theo quy định, các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nộp toàn bộ số tiền đã thu vào ngân sách nhà nước.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thực hiện công khai các khoản thu khác theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT, gồm: Công khai các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo (đối với cơ sở giáo dục mầm non); công khai các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho cả cấp học (đối với cơ sở giáo dục phổ thông).
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư này.
Theo đó, 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm:
1. Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
2. Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
3. Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;4. Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
5. Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
6. Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
7. Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.